Hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 với thông điệp mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn giao thông... là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong tuần.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung hơn nữa cho việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường tài chính.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung từ nay tới cuối năm là phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng cao nhất để đạt những kết quả cao hơn nữa, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Dứt khoát phải đạt được những tiến bộ, những dấu ấn về cải cách hành chính ở những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế như cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm...

Về vấn đề ngân sách, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo trong 5 năm tới phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn. Chi thường xuyên phải giảm xuống, chi đầu tư phải tăng lên, dứt khoát bội chi là để đầu tư. Đồng thời phải đề ra các giải pháp hiệu quả để tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.

* Việt Nam luôn hoan nghênh các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi - thông điệp được nhấn mạnh khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đang ngày càng bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tái cơ cấu mạnh mẽ DNNN... chính là các tín hiệu mạnh mẽ, tạo điều kiện hơn nữa cho các nguồn vốn đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước.

* Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để bảo vệ môi trường trở thành một nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe và thể chất của giống nòi, cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng.

Đó là hoàn thiện thể chế, tăng cường truyền thông, kiện toàn tổ chức cũng như năng lực quản lý, đa dạng hóa vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ đánh giá môi trường chiến lược, cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo, phòng ngừa các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường và cuối cùng là chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế bảo vệ môi trường.

* Lãnh đạo các địa phương, các lực lượng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông, không để phương tiện quá tải phá đường xá, hạ tầng giao thông - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của các địa phương về để lại tiền xử phạt cho địa phương đầu tư trang bị phương tiện, tổng kết xây dựng các tuyến đường cao tốc để có biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường này. Bộ Công an mở các đợt cao điểm về tuần tra, kiểm soát ATGT trên toàn quốc, mở chiến dịch kiểm tra các “xe vua”, “xe logo”...

* Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý bằng việc chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và công khai, minh bạch và công bằng trong bồi thường, tái định cư - đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành đất đai.

Cũng với đó là việc thực hiện tốt điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tập trung làm tốt công tác định giá đất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng kéo dài.

* Trước khả năng cơn bão số 4 đang vào biển Đông có khả năng ảnh hướng đến nước ta, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp khẩn bàn giải pháp ứng phó. Theo đó, các địa phương sẵn sàng phương án bão sẽ đổ bộ đất liền, không được chủ quan khi gần đây có hiện tượng bão vào gần bờ mạnh lên, thiệt hại trong bão không đáng kể nhưng thiệt hại do mưa sau bão thì rất lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven sông ven biển. Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ. Chú ý vấn đề thoát lũ, tiêu nước, bảo vệ hoa màu, giao thông đi lại và thông tin truyền thông.

Đối với khu vực miền núi, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, đặc biệt là mưa lũ, rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò mỏ than, khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

* Xây dựng nông thôn mới ở TPHCM - “đầu tàu kinh tế” của cả nước đã giúp người dân tiếp cận và được phục vụ tốt hơn từ các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập giữa ngoại thành và nội thành và củng cố được hệ thống chính trị ở nông thôn. Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM.

Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới với cả nước; phát huy tốt vai trò tiên phong, nòng cốt của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

* Công tác chăm lo cho phụ nữ, trẻ em đã góp phần gìn giữ, bồi đắp nền tảng, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định điều này tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt".

Phó Thủ tướng cho rằng cần nhìn thẳng vào những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập trong một bộ phận dân cư hiện nay.

“Làm sao trong thời kỳ hội nhập, chúng ta học hỏi những nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác mà giữ được những cái tốt của dân tộc mình, có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những thứ phi đạo đức, những cái xấu xâm mòn. Đó là mục đích lớn nhất của các đề án cũng như nhiều đề án, chương trình khác để cái tốt được nhân lên, cái xấu ít đi”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nếu làm tốt chính sách thuế thì những người làm công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài và tốt hơn một mức nữa thì những người làm việc ở nước ngoài nhưng có thể mở DN ở Việt Nam và đóng thuế ở Việt Nam.

Chủ trì cuộc họp Ủy ban quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng cho rằng “nếu theo tư duy bình thường thì không bước qua khỏi những rào cản hiện nay” khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực CNTT. Muốn khuyến khích CNTT phát triển thì phải ưu đãi làm sao để DN phải tăng quy mô, trở thành những DN lớn, có đủ năng lực với những tiêu chí cụ thể để có thể áp dụng, thực hiện được ngay. Các chính sách cần được xem xét, xây dựng trên giác độ DN làm CNTT chứ không phải là người sử dụng dịch vụ CNTT.

Theo VGP