Việc chuyển hướng một số dự án sang nhà ở xã hội của doanh nghiệp này đã mang lại những thành công nhất định. Tình trạng tài chính của doanh nghiệp cũng lành mạnh hơn khi số nợ vay chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ so với vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, “soi” kỹ báo cáo tài chính cho thấy có khá nhiều con số “kỳ lạ” và phải chăng đây là lý do khiến cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tiếp tục thấp ở mức bất thường.
Chấp nhận “mất” 646 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ
Năm 2015, Hoàng Quân đã tăng vốn điều lệ từ 1.700 tỷ đồng lên 3.950 tỷ đồng qua 3 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt thứ nhất, Hoàng Quân đã bán 30 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư do không thể bán được cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu này được phát hành ngày 30/12/2014 và niêm yết ngày 20/01/2015. Lần tiếp theo Công ty đã phát hành 63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, số cổ phiếu bán được cho cổ đông hiện hữu chỉ có 1,6%, còn lại 98,4% được bán cho cổ đông khác. Thông qua đợt phát hành này Hoàng Quân đã thu về số tiền 630 tỷ đồng.
Việc Hoàng Quân không bán được cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng là một điều dễ hiểu vì tại thời điểm đó giá cổ phiếu HQC đang giao dịch trên thị trường chỉ bằng 1/2 mệnh giá. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là có nhà đầu tư lại đứng ra mua cổ phiếu này với mức giá gấp đôi so với giá trị thị trường của HQC.
Cho đến nay thông tin về việc ai đã mùa gần 63 triệu cổ phiếu HQC vào thời điểm đó vẫn không được công bố rộng rãi. Được biết số lượng cổ phiếu này chính thức được niêm yết và giao dịch kể từ ngày 24/09/2015.
Sau đợt tăng vốn khủng này, Hoàng Quân tiếp tục một đợt tăng vốn khá ngoạn mục là phát hành 137 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phần một số công ty. Theo đó 137 triệu cổ phiếu đã được hoán đổi cho các Công ty “anh em” là Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận (29,79 triệu CP), Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ (36,21 triệu CP), Bất động sản Đông Dương (38 triệu cổ phiếu) và Cổ đông của Công ty CP Cảng Bình Minh (33 triệu cổ phiếu).
Điều đáng nói là dù tỷ lệ hoán đổi là 1:1 nhưng mức giá phát hành hoán đổi cho những cổ đông này chỉ có 5.100 đồng/cổ phiếu. Do vậy, qua đợt phát hành này Hoàng Quân đã bị âm thặng dư vốn cổ phần lên tới 646 tỷ đồng. Thực chất đây là một đợt phát hành bán cổ phiếu chỉ bằng 51% so với mệnh giá được ghi nhận trên giá trị sổ sách.
Việc Hoàng Quân bán cổ phiếu với giá cực thấp như vậy khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi cách đó không lâu Công ty này đã phát hành thành công gần 63 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài điều khó hiểu này thì giao dịch cổ đông nội bộ của Hoàng Quân cũng tương đối “bất thường” như việc ông Trường Anh Tuấn Chủ tịchHĐQT và Địa ốc Hoàng Quân Mê Kong mua vào bán ra khá dày đặc.
Như vậy, sau 2 đợt tăng vốn “không bình thường” vốn điều lệ của Hoàng Quân đã thêm 2.300 tỷ đồng. Tuy vậy thực chất vốn chủ sở hữu của công ty chỉ tăng thêm gần 1.400 tỷ đồng. Việc HQC tăng vốn điều lệ khủng đã làm cho tình hình tài chính của Công ty trở nên lành mạnh hơn. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên nợ vay hiện nay của HQC đang ở mức khá thấp với con số chưa đến 0,5 lần. Đặc biệt nợ vay dài hạn và ngắn hạn hiện nay của Công ty cũng chỉ hơn 800 tỷ đồng. Một con số khá nhỏ so với số vốn chủ sở hữu hơn 4.000 tỷ đồng trên sổ sách.
Tiềm ẩn rủi ro
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của HQC năm 2015 lên tới 2.631 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dù tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi nhưng EPS vẫn cao hơn gấp 10 lần năm trước. Với mức EPS này thì giá cổ phiếu trên lợi nhuận (PE) của HQC chỉ có 2 lần. Đây là một mức quá thấp so với một Công ty bất động sản đang đi lên như HQC. Phải chăng thị trường đã có những đánh giá không đúng về tiềm năng của Cổ phiếu này hay còn lý do nào khác?
Ắt hẳn là hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân, hàng nghìn tổ chức không thể nào bỏ qua nếu HQC có một tiềm năng thực sự. Như vậy có thể có lý do nào đó họ chưa đặt niềm tin vào HQC. Điều này có thể lý giải phần nào xung quanh những con số “kỳ lạ” trên báo cáo tài chính của Hoàng Quân. Con số đầu tiên đáng nói là hiện Công ty có 187 tỷ đồng “Vay nợ quá hạn chưa thanh toán”. Điều này cho thấy dòng tiền của Công ty không đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Công ty cũng cho thấy tình trạng tài chính khá rủi ro. Năm 2015 lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh âm 808 tỷ đồng, trước đó năm 2014 âm 754 tỷ đồng, năm 2013 và 2012 dòng tiền này cũng âm. Trong khi đó hoạt động đầu tư thì dòng tiền dương không đáng kể. Như vậy, HQC phải liên tục vay vốn hoặc tăng vốn chủ sở hữu để duy trì, mở rộng hoạt động. Hiện nay, HQC có hàng chục công ty con và hàng trăm dự án. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong vấn đề quản trị Công ty.
Những lo ngại này phần nào thể hiện trên báo cáo tài chính. Theo báo cáo tài chính 2015 khoản phải thu ngắn hạn của Công ty lên tới 3.300 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Số khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần 50% tài sản và bằng hơn 80% vốn chủ sở hữu. Đáng nói là trong đó có đến 872 tỷ đồng là phải thu từ khách hàng mua bất động sản. Như vậy, việc ghi nhận doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng của năm 2015 có thể phần lớn là chưa thu được tiền thực sự mà ghi nhận trước trên báo cáo tài chính.
Đặc biệt Hoàng Quân còn “hào phóng” trả trước cho các bên có liên quan đến gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó lớn nhất là trả trước Công ty Phát triển nhà Bảo Linh tới 814 tỷ đồng, Kinh doanh nhà Bình Thuận 432 tỷ đồng. Rất có thể đây là những giao dịch giữa HQC và những công ty này chưa được hạch toán. Tuy nhiên, cũng có thể đây chỉ là những giao dịch trên “sổ sách”. Dù trường hợp nào thì khoản phải thu cao đến mức bất thường này cho thấy tình trạng tài chính của HQC không thực sự lành mạnh.
Kế hoạch “siêu khủng”
Tại Đại hội cổ đông năm 2016 Hoàng Quân tiếp tục đưa ra những kế hoạch “siêu khủng”. Năm 2016, HQC đặt kế hoạch phát hành 205 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ 3.950 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng của công ty bao gồm: Phát hành 31,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 8%; Bán 98,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; Phát hành 74,65 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến nếu đợt phát hành này thành công, Hoàng Quân sẽ thu về 1.734 tỷ đồng để đầu tư vào dự án HQC Tân Hương (350 tỷ đồng), HQC Tây Ninh (350 tỷ đồng), HQC Bình Thuận (300 tỷ đồng), HQC Bình Minh (150 tỷ đồng), HOF - HQC Hồ Học Lãm (200 tỷ đồng), Xây dựng Hạ tầng Nhà ở công nhân, Nhà ở xã hội (NOXH) Khu công nghiệp Hàm Kiệm (300 tỷ đồng) và Vốn lưu động 84 tỷ đồng.
Ít ai tin rằng trong điều kiện bình thường Hoàng Quân có thể thành công trong việc huy động số vốn này vì hiện nay giá cổ phiếu HQC chỉ có 5.100 đồng/cổ phiếu. Năm trước doanh nghiệp này đã không thành công trong việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và chấp nhận bán 51% mệnh giá để hoán đổi cổ phiếu. Năm 2015, dù kết quả kinh doanh cao một cách bất thường nhưng lại không được thị trường đón nhận một cách tích cực.
Chưa dừng lại ở kế hoạch phát hành lớn đó nhìn vào kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới khiến không ít người phải ngạc nhiên. Theo đó doanh thu năm 2016 lên đến 7.416 tỷ đồng và lợi nhuận 500 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu năm 2016 gấp gần 6 lần năm 2015 và năm 2017 doanh thu tiếp tục tăng lên 12.244 tỷ đồng và lợi nhuận 655 tỷ đồng. Nếu thực hiện được kế hoạch siêu khủng này thì HQC trở thành 1 trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nếu thật sự nhà đầu tư tin điều này thì chắc hẳn giá cổ phiếu của HQC có thể cao gấp 10 lần hiện nay.
Doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Quân (ĐVT: triệu đồng)
Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của HQC (ĐVT: triệu đồng)
Theo Hoàng Nam/Cafeland