Từ ngày 16/3 giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng 7,5%, theo biểu giá mới này, đại diện Bộ Công thương từng cho biết, đối với hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng. Hộ dùng từ 100 đến 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng. Các hộ dùng nhiều hơn phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Với các hộ kinh doanh, tùy theo mức tiêu thụ, giá thành điện trong sản xuất sẽ tăng tối đa 0,6%... giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%, giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số hộ gia đình sử dụng điện và hộ kinh doanh đã nhận được hóa đơn thanh toán điện trong tháng vừa qua, hầu hết đều cho biết, số tiền chi trả cho tiền điện tháng vừa qua đã tăng mạnh.
Cụ thể, theo chị Thu Thủy (Chùa Láng, Hà Nội), hàng tháng tiền điện của gia đình chị là khoảng dưới 1 triệu đồng, thời điểm tháng 6/2014 vừa qua khi tiền điện tăng đột biến được EVN Hà Nội giải thích do nắng nóng, hóa đơn điện chỉ tăng lên đến 1,3 triệu đồng. Nhưng lần này hóa đơn điện mà chị nhận được đã là 1,4 triệu đồng.
Chị Thủy cho biết, trong tháng vừa qua, các thiết bị điện chị sử dụng không có khác biệt so với tháng trước đó chỉ sử dụng thêm máy sấy quần áo nhưng thời gian sử dụng không đáng kể.
"Tôi đã hỏi người thu tiền điện và họ lý giải tiền điện tăng vì được tính toán theo biểu giá điện mới", chị Thủy nói.
Thậm chí, giá điện tăng gấp đôi theo phản ánh của chị Phương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội). Chị Mai cho biết thường mỗi tháng chị đóng khoảng 600.000 đồng tiền điện. Tuy nhiên tháng này đã tăng gần gấp đôi.
"Trước đây tiền điện gia đình tôi phải đóng mỗi tháng khoảng 600.000 là cao nhất, tháng vừa rồi tôi phải đóng hơn 1,2 triệu đồng”, chị Mai nói.
Trong khi đó, tại Hà Nội, đối tượng phải "chịu trận" mạnh nhất trong đợt tăng giá điện lần này lại chính là sinh viên, người đi thuê nhà trọ.
Hoàng Linh, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại Thương ở trọ tại Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết Linh đang phải trả 4.000 đồng/kWh, việc tăng giá điện lần này chủ nhà đã thông báo tăng lên 5.000 đồng/kWh.
Tình trạng tương tự diễn ra tại các khu trọ trên khắp địa bàn Hà Nội như ở Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Láng, Hai Bà Trưng... nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng. Mỗi số điện chủ trọ bán cho người sử dụng thường giao động ở mức từ 3.500-4.000 đồng/kWh đều được điều chỉnh tăng lên 4.500-5.000 đồng/kWh.
Lý giải về việc tăng giá điện bán cho sinh viên, ông Tấn Minh (Chùa Láng, Đống Đa) cho biết, việc tăng giá này ông đã phải tính toán cân nhắc, "cảm thông" với sinh viên thuê trọ mới ra quyết định tăng giá thêm 500 đồng/kWh vì nếu không tăng giá ông sẽ "lỗ" vì tiền điện phải đóng đang tăng mạnh.
Trước tình trạng giá điện tăng mạnh trên địa bàn Hà Nội, báo Tiền Phong dẫn lời của đại diện Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của hiện tượng hóa đơn điện tăng giá mạnh chủ yếu do thời tiết đột ngột chuyển nóng cộng với việc đây là tháng đầu tiên áp dụng bảng giá điện mới.
Thống kê từ đơn vị này cho biết, từ 1- 8/4/2015, sản lượng điện tiêu thụ trung bình gần 38 triệu kWh/ngày, tăng 8,2% so với tháng 3/2015.
EVN Hà Nội dự kiến sản lượng dùng trong sinh hoạt trung bình tháng 4/2015 đạt 13,6 triệu kWh/ngày, tăng 12,6% so với tháng 3/2015.
Riêng hóa đơn tiền điện tháng 4, EVN Hà Nội cho biết đã ghi số điện 2 lần. Với 50 kWh điện sử dụng đầu tiên, trước ngày 16/3, áp dụng mức giá cũ 1.388 đồng/kWh, từ ngày 16/3 trở đi, giá tăng lên 1.484 đồng/kWh.
Theo Bizlive