Hiệp hội Dệt May: chỉ nên tăng lương tối thiểu 6-7%

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã chính thức gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là từ 6 -7%.
Ngành dệt may cho rằng, công đoàn là bên hưởng lợi lớn do tăng lương tối thiểu.
Ngành dệt may cho rằng, công đoàn là bên hưởng lợi lớn do tăng lương tối thiểu.

Gửi kèm thư của Hiệp hội là các kiến nghị tập thể chia sẻ quan điểm trên của rất nhiều các chi hội dệt may, các doanh nghiệp ở các tỉnh có ngành công nghiệp dệt may phát triển như Nam Định, Phú Thọ, Hải Phòng.

Kiến nghị của Hiệp hội này là rất đáng chú ý bởi đây là ngành sử dụng nhiều lao động nhất Việt Nam với 2,5 triệu người. Kim ngạch xuất khẩu cả ngành đạt 24,7 tỉ đô la Mỹ năm 2014 và dự kiến đạt 27,5 tỉ đô la Mỹ năm 2015.

Để bảo vệ quan điểm trên, trong thư gửi Thủ tướng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang phân tích các tình huống lương tối thiểu được đề xuất tăng như sau.

Thứ nhất, nếu lương tối thiểu vùng tăng 6-7% thì tổng chi phí tính cho 2,5 triệu lao động dệt may và lấy vùng 2 làm vùng chuẩn để tính cũng sẽ tăng thêm trên 17.000 tỉ đồng, trong đó các khoản bảo hiểm tăng thêm 7.390 tỉ đồng, phí công đoàn tăng thêm trên 450 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nếu tăng lương tối thiểu vùng 10%, tổng chi phí nhân công tăng trên 23.200 tỉ đồng, trong đó các khoản bảo hiểm tăng thêm 8.700 tỉ đồng, phí công đoàn tăng thêm trên 530 tỉ đồng.

Nếu lương tăng 16,8% theo đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng chi phí nhân công tăng thêm trên 32.400 tỉ đồng, trong đó các khoản bảo hiểm tăng thêm 10.700 tỉ đồng, kinh phí công đoàn tăng thêm gần 660 tỉ đồng.

Theo ông Giang, từ năm 2010 đến nay lương tối thiểu vùng đã tăng 2,15 – 2,3 lần đối với doanh nghiệp FDI; tăng 2,95 - 3,16 lần với doanh nghiệp trong nước, trong khi đó cũng trong khoảng thời gian này tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) của người sử dụng lao động tăng từ 18% năm 2010 (BHXH 15%, BHYT 2%, BHTN 1%) lên 22% năm 2014 (BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%). Người lao động đóng trong thời gian đó đóng tương ứng tăng từ 7% lên 10,5%.

Ông Giang đề nghị đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm về mức đóng của năm 2010; hiện nay nền đóng tăng nhiều lần, tỷ lệ đóng cũng tăng, đặc biệt sắp tới đây theo Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ 01/01/2016 thì từ 2016 căn cứ đóng được tính trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập bổ sung khác sẽ là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Liên quan đến phí công đoàn, ông Giang khẳng định, phí công đoàn 2% của tất cả các doanh nghiệp và 1% đoàn phí công đoàn ở những nơi có tổ chức công đoàn, trong đó 35% kinh phí và 40% đoàn phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở là “số tiền rất lớn”.

Trong điều kiện doanh nghiệp và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn như hiện nay, đề nghị Tổng Liên đoàn giảm mức trích nộp lên cấp trên xuống mức 10% kinh phí công đoàn để cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp như hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, mẫu giáo…

Hàng loạt các chi hội dệt may cách tỉnh đều lên tiếng ủng hộ Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Ông Trần Phương Cách, Chủ tịch Chi hội Dệt May Phú Thọ khẳng định, tốc độ tăng lương hiện nay là “duy ý chí”, làm các doanh nghiệp mất năng lực cạnh tranh, năng lực tái đầu tư.

Ông Cách phân tích thêm, công đoàn là người hưởng lợi nhất mà thực chất lại không giúp ích gì cho người lao động. Điều này là bất công với các tổ chức khác như chi bộ đảng, đoàn trong doanh nghiệp.

Trong khi đó, các chi hội dệt may Đông Bắc, Tổng công ty May 10, hàng chục doanh nghiệp từ tỉnh Nam Định và các tỉnh khác cũng đồng quan điểm trên.

Được biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp lần thứ ba vào ngày mai 3-9 sau hai lần họp mà không thống nhất được mức tăng của lương tối thiểu vùng năm 2016.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu tổ chức cuối tuần trước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đã được nhiều đại biểu quốc hội, và chuyên gia kinh tế kéo ra hành lang để phản ứng cách lập luận tăng lương 16,8% của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ý kiến chung của các đại biểu quốc hội, chuyên gia là doanh nghiệp và nền kinh tế không thể kham nổi mức tăng lương này, và nếu cứ tăng, thì chính người lao động sẽ trực tiếp bị thiệt hại do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Trước cuộc họp ngày mai, đã có nhiều đề xuất phản đối từ các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới các cơ quan chức năng.

Theo TBKTSG