Vì sao đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền hàng nghìn tỉ đồng hoạt động trong một thời gian dài mà không bị triệt phá? Nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa có vai trò như thế nào?
Cơ quan điều tra đã mất nhiều ngày để bóc tách từng "chân rết" và phá thành công vụ án này…
Nguyên cục trưởng ký hợp đồng hưởng lợi nhuận
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu bắt đầu hoạt động từ năm 2014.
Chỉ một thời gian ngắn, đường dây này đã "vươn vòi" ra tận 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý. Máy chủ điều hành được đặt tại Hà Nội.
Ngoài ra còn có một máy chủ đặt tại nước ngoài để những "con bạc" không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng có thể tham gia "sát phạt". Số lượng người tham gia đánh bạc tăng chóng mặt lên đến hàng chục triệu tài khoản đăng ký.
Điều đáng nói, một đường dây đánh bạc với quy mô rất lớn tại sao ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà không bị triệt phá? Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an Phú Thọ đã phát hiện dấu hiệu có cán bộ trong ngành tham gia "bảo kê" cho đường dây đánh bạc.
Lập tức Công an Phú Thọ nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an: lập chuyên án triệt phá các đối tượng cầm đầu và xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho đường dây đánh bạc này.
Từ tài liệu trinh sát, CQĐT xác định ông Nguyễn Thanh Hóa mặc dù có vai trò là cục trưởng C50 nhưng không ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp mà còn có hành vi tiếp tay "bảo kê".
Theo đó, ông Hóa đã ký với Nguyễn Văn Dương một hợp đồng liên quan đến việc công ty của Dương được hoạt động.
Theo thỏa thuận, ông Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) sẽ được ăn chia 60% lợi nhuận từ đường dây đánh bạc, còn Dương hưởng 40% lợi nhuận.
Trong hợp đồng ông Hóa ký với Dương, vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng.
Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã được hưởng lợi khoảng 800 tỉ đồng. Tuy nhiên bị can Dương cũng khai chưa "chia" lợi nhuận cho ông Hóa. Còn ông Phan Sào Nam thì khai cho ông Hóa vay một số tiền và hiện chưa đòi.
Hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ những vấn đề này.
Đường dây đánh bạc lên đến 18.000 tỉ đồng
Đến nay CQĐT đã làm rõ ông Phan Sào Nam là người cung cấp phần mềm, bản quyền cổng game điện tử cho ông Nguyễn Văn Dương. Bị can Dương có vai trò điều hành 2 cổng game điện tử có tên là Rikvip và Tip.club.
Trước đó, khoảng năm 2016, thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát thông báo về việc cổng game do ông Dương điều hành có dấu hiệu đánh bạc trái pháp luật.
Ban đầu, cổng Rikvip bị đóng và ngừng hoạt động. Tuy nhiên liền sau đó cổng Tip.club được mở lại với hình thức hoạt động tương tự và là nơi để hàng chục triệu con bạc tiếp tục sát phạt.
Đến nay nhà chức trách xác định có hơn 40 triệu tài khoản đăng ký tham gia trên cả hai cổng game trá hình này. Trong giai đoạn điều tra, số tiền lưu thông của đường dây đánh bạc lên đến 18.000 tỉ đồng.
Hiện CQĐT đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh được số tiền có giá trị vật chất để quy trách nhiệm hình sự của các đối tượng tham gia đánh bạc là hơn 2.700 tỉ. Đây là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vì đã có hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài.
Đến nay cơ quan chức năng đã thu được khoảng 1.300 tỉ đồng và số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.