Liên hoan Văn hóa – Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu do UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tổ chức vào ngày 27/4, tại xã Hòa Bắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa người Cơ Tu trong nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong "Tuần lễ du lịch Hòa Bắc", chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Quốc tế lao động (1/5).
Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết, đây cũng là chương trình tôn vinh cộng đồng người Cơ Tu đóng vai trò chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Cộng đồng người Cơ Tu ở Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hiện có khoảng 1.450 người, sống ở ba thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc của xã Hòa Phú.
"Chương trình cũng nhằm mở rộng giao lưu cộng đồng người Cơ Tu để làm giàu vốn văn hóa của đồng bào Cơ Tu huyện Hòa Vang và thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương"- ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết.
“Liên hoan Văn hóa – Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu" cũng là cơ hội quảng bá vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Cơ Tu, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Thiếu nữ Cơ Tu trong điệu múa Tung tung da dá |
Tại lễ hội, người dân và du khách được thưởng thức những điệu múa Tung tung - da dá sống động, đầy âm hưởng của núi rừng qua phần trình diễn cồng chiêng; các tiết mục văn nghệ truyền thống, những điệu hát lý, nói lý mang đậm bản sắc của người Cơ tu; phục dựng không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người Cơ Tu như nhà Gươi, dệt thổ cẩm...
Cùng với đó, người dân và du khách được trải nghiệm những giá trị di sản văn hóa truyền thống của người đồng bào Cơ tu thông qua không gian lễ hội với các nghi thức mang tính biểu tượng của các lễ hội truyền thống.
Theo người Cơ Tu, "tung tung" là điệu múa của đàn ông, con trai, còn "da dá" là điệu múa của đàn bà, con gái.
Bên cạnh đó, "tung tung" còn được hiểu là vươn lên cao, sôi động hơn, mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn. Nó thể hiện khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn vươn lên tầm cao mới, mong cuộc sống tốt đẹp hơn của mỗi con người.
Còn "da dá", theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là nhớ ơn đất trời, trung thành với người, kính trên nhường dưới.
Múa tung tung da dá là tuyệt tác, là tâm hồn và là biểu tượng của văn hoá truyền thống Cơ Tu.
Người Cơ Tu có niềm tin rằng, thần đất, thần sông cho họ cái ăn và Giàng (trời) cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, do vậy, Tung tung da dá sẽ luôn sống mãi trong văn hóa cộng đồng của họ.
Một số hình ảnh của Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ Tu năm 2023:
Trình diễn điệu múa Tung tung da dá đặc trưng của người Cơ Tu |
Nghi thức truyền thống của người Cơ Tu được thể hiện qua điệu múa |
Nghi thức tế lễ được đưa vào trong điệu múa |
Thiếu nữ Cơ Tu với màn "da dá" |
Thiếu nữ Cơ Tu trong điệu múa Tung tung da dá |
Thưởng thức rượu cần, nét văn hoá ẩm thực của người Cơ Tu |
Ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu |
Mâm cơm truyền thống cùng rượu cần |
Cơm lam |
Xôi nắm muối mè |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu