Ngô Việt Cường (Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) là cậu học trò từng gây xôn xao dư luận khi tự mình lắp ráp chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời. Việc lắp ráp thành công chiếc xe đã giúp cậu đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VI” do sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức năm 2018.
Thành công tiếp nối thành công…
Tiếp nối thành công đó Cường tục lắp ráp và cho ra đời chiếc xe kiểu dáng Volkswagen Roadtrip.
Khác với lần trước, chiếc xe lần này được thiết kế rộng hơn, chở được số người nhiều hơn, tấm pin năng lượng lớn hơn, công suất gấp nhiều lần so với chiếc xe trước. Cùng với đó là động cơ với lực kéo gấp đôi được li hợp qua hộp số 5 cấp, mạnh mẽ hơn và cho tốc độ lên đến 60km/h. Lốp xe là loại lốp không săm bản rộng giúp chiếc xe hoạt động êm ái, chịu tải tốt và giảm tiếng ồn.
Hệ thống lưu trữ năng lượng cũng được thiết kế lớn hơn để cho thời gian hoạt động lâu hơn, ngoài ra xe còn có cổng điện ra 220v sử dụng năng lượng mặt trời, có thể phục vụ cho điện sinh hoạt.
Chiếc xe mới được dựng lên từ đa phần là các phụ tùng cũ.
|
Sau 7 tháng cặm cụi trong gara ô tô với đống vật dụng, đồ nghề cùng với việc lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ…, thấy ý tưởng khả quan, Cường lại nhờ anh trai mình đưa đi lùng sục vật liệu khắp các cửa hàng máy ở Tam Điệp, Nam Định, Thái Bình để lựa chọn động cơ cũng như những phụ tùng cần thiết tốt nhất.
Vì thiết kế luôn phải tính làm sao để có kiểu dáng độc đáo, thân xe phải thật chắc chắn, rồi lựa động cơ nên phụ tùng phải chuẩn với nó mới tạo ra “cộng hưởng” ... Với những toan tính như vậy nên việc gì Cường cũng phải suy đi nghĩ lại, tính toán, thật kỹ rồi thử nghiệm. Có lúc thành lúc bại…
Chạm tay vào đam mê
Có một thời làng quê làm nghề tre nứa nơi Cường sống bị ô nhiễm môi trường, gây hại trực tiếp đến sức khỏe đến mức báo động. Người dân bị ô nhiễm môi trường “hành hạ” đến mức đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang…vì mùi tre nứa ngâm. Nguồn nước bị ô nhiễm khí bụi do máy mài, tiếng ồn của máy sản xuất, mùi phun sơn và cả mùi hôi thối bốc lên từ nơi ngâm tre nứa để chống mối mọt, dẻo, dễ thao tác gia công.
Tác dụng thì đã thừa nhận nhưng tác hại của việc ngâm tre nứa quá kinh khủng. Nước ngâm tre nứa các ao hồ, sông ngòi đặc một màu đen bốc mùi hôi thối rất khó chịu, nước chảy ra đồng làm lúa chết gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, làm mất cân bằng sinh thái, đồng thời gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư, hô hấp. Nơi đây đã có cả một làng ung thư, viêm đường hô hấp, bệnh phụ nữ…
Sống ở một nơi như thế và biết khí thải ra từ các động cơ chạy bằng than, xăng dầu độc hại thế nào nên cậu sớm có ý tưởng ô tô xanh chạy bằng năng lượng mặt trời ngay từ khi đang học lớp 10. Cậu tâm sự để có được thành công chính là nhờ sự đam mê và rất yêu ô tô của mình. Và “có gốc rễ” là người bố là thợ cơ khí đã truyền cảm hứng và giúp đỡ cậu rất nhiều. Niềm vui lớn nhất của cậu là lúc hoàn thành chiếc xe sau nhiều lần thử và đã vận hành một cách trơn tru.
Tấm pin năng lượng mặt trời 6 tiếng sạc đầy, cho phép xe chạy được quãng đường lên đến 50km.
|
Gia đình Cường có một gara chuyên sửa chữa ô tô, nên ngay từ nhỏ cậu đã yêu thích và đam mê thiết kế xe. Hầu như Cường dành toàn bộ thời gian rảnh để tìm hiểu về cơ khí, điện, chứ không mê chơi game “đàn đúm” như nhiều bạn đồng trang lứa khác.
Cậu bảo, từ nhỏ, cậu đã mơ ước có một chiếc ô tô của riêng mình và từ đó ý tưởng lắp ráp ô tô điện ra đời.
Ban đầu, Cường bị bố mẹ cậu phản đối kịch liệt bởi cậu tuổi còn nhỏ, kinh nghiệm chưa có và quan trọng nhất là cần phải tập trung cho học tập. Mặc dù vậy, Cường vẫn không từ bỏ ước mơ. Hàng ngày cậu vẫn nghiên cứu, tìm hiểu về việc chế tạo ô tô điện. Thấy những đam mê cháy bỏng của cậu con trai không gì có thể dập nổi và cảm thấy nó cũng khả thi, nên bố Cường đã quyết định mua những vật dụng cần thiết cho con mình thực hiện ước mơ.
Tất cả mọi công việc từ mua vật dụng đến các bước hoàn thành sản phẩm đều do Cường thực hiện, cậu chỉ nhờ sự hỗ trợ của bố về các thông số kỹ thuật. Ý định ban đầu của Cường là lắp ráp một chiếc xe có ngoại hình theo Lamborghini, nhưng để đơn giản hóa phần vỏ, cậu đã chuyển hướng sang Volkswagen của Đức. Về phần vỏ xe, Cường đi mua tôn về rồi tự làm.
Theo nam sinh này, từ lúc có ý tưởng đến bắt tay thực hiện quả là một quá trình gian nan.
Cường đã hoàn thành chiếc xe ô tô điện tự chế của mình được 3 tháng và từ đó đến nay có khá nhiều bạn bè và hàng xóm gần nhà mượn chạy thử. Có không ít người tỏ ý muốn mua chiếc xe này nhưng Cường khẳng định sẽ không bán, nếu ai đặt thì sẽ làm chiếc khác.
Chiếc xe ô tô điện của Cường có thể đạt được vận tốc tối đa 40km/h, 6 tiếng sạc đầy chạy được 50km và tổng chi phí lắp đặt khoảng 40 triệu đồng. Chiếc xe có cả chìa khóa để mở cửa từ xa.
Trước khi tự chế tạo chiếc xe ô tô điện sạc bằng năng lượng mặt trời, Cường đã từng tự chế tạo thành công máy cắt cỏ để học môn Công nghệ, tự lắp tàu thủy mini chạy bằng pin. Cường bảo, sắp tới cậu sẽ chế thêm điều hòa nhiệt độ nữa.
Trò chuyện với cậu mới thấy đạt được thành công quả không đơn giản chút nào. Sự nỗ lực của cậu học trò làm tôi nhớ tới câu nhắn gửi của Đại sứ Israel với các bạn trẻ khởi nghiệp ở nước ta: “Start-up Việt đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!” hướng tới một ngày không xa, các phương tiện xanh sẽ đồng hành cùng con người để môi trường sống của nhân loại luôn xanh sạch đẹp.