Hành khách phản đối trả phí cách ly: Cảng vụ miền Nam đề nghị tạm dừng các chuyến bay thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng trăm hành khách ồn ào phản đối trả phí cách ly, Cảng vụ Hàng không miền Nam đề nghị tạm dừng các chuyến bay thương mại cho đến khi có quy định rõ ràng.
Cảng vụ Hàng không Miền Nam vừa gửi văn bản kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại (Ảnh: Hòa Bình)
Cảng vụ Hàng không Miền Nam vừa gửi văn bản kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại (Ảnh: Hòa Bình)

100% ký cam kết, 98% “lật kèo”?

Hai ngày nay khắp các trang mạng xã hội sôi sục ý kiến quanh việc hàng trăm hành khách từ Hàn Quốc vừa nhập cảnh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã gây ồn ào, không chịu trả phí cách ly giá cao, vì cho rằng đang bị “bắt chẹt”! Chuyến bay số chở 158 hành khách hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 30/9, đường bay thương mại thường lệ từ Incheon (Hàn Quốc) về TP.HCM (Việt Nam).

Hành khách cho biết họ đều đã ký cam kết đi cách ly trước khi lên chuyến bay. Tuy nhiên, họ bất ngờ là mức phí thông báo vượt khả năng chi trả của nhiều người.

Chính bởi lý do này mà chuyến bay chở 158 hành khách thì chỉ có 3 người đồng ý đi về khách sạn để cách ly, trong đó chỉ có 1 người Việt, 2 người còn lại là người nước ngoài.

Có hay không việc thay đổi liên tục về giá khách sạn cách ly?

Một hành khách cho hay đã mua vé giá 11 triệu đồng/vé. Anh này cho biết các quy định về giấy tờ xét nghiệm đều được đáp ứng đầy đủ để trở về Việt Nam. Khi hạ cánh, nhân viên hãng bay thông báo chi phí cách ly tại khách sạn là 1,3 triệu đồng/phòng/ngày (4 người/phòng). Lúc này, tất cả hành khách đều đồng ý.  

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, hành khách cho biết lại nhận được thông báo không tìm được khách sạn giá ban đầu nên chuyển qua khách sạn khác với giá cao hơn, là 1,7 triệu đồng/ngày, sau đó giá mới được thông báo lần thứ 3 là 5 triệu đồng/ngày.

Một hành khách khác trong chuyến bay nói trên cho biết khi đến sân bay, khách mới được đưa ra biên bản thỏa thuận về chuyến bay, như chi phí khách sạn cách ly, vận chuyển, xét nghiệm và các chi phí liên quan khác. Trong đó, thông báo ban đầu giá cách ly dự kiến 100 USD/người/đêm, thời gian cách ly 14 ngày. 

Phù hợp với thông tin cung cấp từ hai nam hành khách nói trên, VietTimes cũng nhận được từ cơ quan chức năng Biên bản cam kết của nữ hành khách Nguyễn Thị Thanh Trúc đã ký trước khi lên máy bay.

Nội dung cam kết thể hiện rõ điều khoản: “Tôi xin cam kết chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí liên quan đến chuyến bay, bao gồm: Khách sạn cách ly, vận chuyển, xét nghiệm và các phí liên quan khác”.

Phía Hãng hàng không cung cấp thêm tới VietTimes bản quy định đã được chuyển tới hành khách từ trước khi lên máy bay, trong đó có điều khoản: “Hành khách phải thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế và chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí bao gồm: Khách sạn cách ly (giá dự kiến 100 USD/người/đêm), vận chuyển, xét nghiệm và các phí liên quan khác. Thời gian cách ly dự kiến là 14 ngày hoặc sớm hơn tùy theo kết quả xét nghiệm”.

  
Văn bản của Cảng vụ Hàng không Miền Nam kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam chấn chỉnh VietJet (Ảnh: Hòa Bình)
Cảng vụ Hàng không Miền Nam kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại cho đến khi có quy định rõ ràng (Ảnh: Hòa Bình)


Tạm dừng các chuyến bay thương mại

Thông tin tại cuộc họp báo chiều 1/10, ông Đoàn Quốc Bình - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam - cho biết, sau khi Sở Du lịch TP.HCM hỗ trợ đàm phán về giá, cũng chỉ có 43 hành khách đồng ý ra khách sạn cách ly với giá 1.300.000đ/người/đêm. Mức giá này đã theo đúng thỏa thuận ban đầu mà các hành khách ký cam kết trước khi lên máy bay.

Tuy nhiên khi ra đến khách sạn, các hành khách này lại đổi ý, muốn được ở 4 người/phòng với giá 1.300.000đ chia cho 4 người và bị từ chối do vi phạm về quy định an toàn phòng chống dịch, dễ lây nhiễm chéo.

Lý giải về việc không đưa các hành khách nói trên về khu cách ly quân đội, văn bản báo cáo của Cảng vụ Hàng không miền Nam chiều hôm nay vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam cho biết:

“Hiện nay, năng lực tiếp nhận người thuộc diện cách ly y tế tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý rất hạn chế, chỉ dành cho khách trên các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài, không dành cho khách trên các chuyến bay thương mại quốc tế”.

Văn bản báo cáo cho biết chỉ có 14 khách đồng ý lưu trú tại Khách sạn IBIS (quận Tân Bình), 1 khách được chuyển đến BV Nguyễn Tri Phương điều trị suy thận. Còn 140 hành khách được đưa về cách ly tại BV COVID-19 Cần Giờ.

Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Đoàn Quốc Bình trao đổi tại họp báo. Ảnh- Khang Minh
Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam Đoàn Quốc Bình trao đổi tại họp báo. Ảnh- Khang Minh


Vì tình trạng không thống nhất, dẫn đến cảnh lộn xộn, bức xúc nói trên, Cảng vụ Hàng không miền Nam kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam chấn chỉnh về công tác thông tin cho khách hàng, tránh tình trạng khách phải ký thỏa thuận ngay trước khi lên tàu bay.

Ngoài ra, Cảng vụ Hàng không miền Nam kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét tạm thời chưa cấp phép bay các chuyến bay thương mại từ nước ngoài về Việt Nam cho đến khi các hãng hàng không có quy trình bán vé và các điều kiện ràng buộc cụ thể về nơi lưu trú tại Việt Nam đối với hành khách khi thực hiện chuyến bay như: thu trước các chi phí khách sạn cách ly, phí vận chuyển từ sân bay về nơi cách ly, phí xét nghiệm COVID-19.