Hàng trăm doanh nghiệp dệt may vi phạm giờ làm thêm

Tại 12 tỉnh thành thực hiện chiến dịch thanh tra đều có doanh nghiệp huy động người làm thêm quá giờ quy định.
Hàng trăm doanh nghiệp dệt may vi phạm giờ làm thêm

Sáng 16/10, Bộ Lao động tổng kết đợt thanh tra lao động ở 152 doanh nghiệp dệt may, thuộc 12 tỉnh thành. Trong 3 tháng, đoàn thanh tra phát hiện hơn 1.700 vi phạm, bình quân mỗi doanh nghiệp mắc 12 sai phạm, lập 19 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt gần 600 triệu đồng.

Đoàn thanh tra phát hiện hầu hết doanh nghiệp huy động lao động làm thêm quá giờ quy định. Nhiều đơn vị còn không thực hiện chế độ nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương cho người lao động. 22 doanh nghiệp vi phạm về thời gian làm việc cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ làm công việc nặng nhọc.

Về tiền lương, có 47 doanh nghiệp chưa làm định mức lao động, hệ thống thang lương, bảng lương. 36 doanh nghiệp chưa trả lương ngày chưa nghỉ hàng năm của lao động hoặc chưa nghỉ hết số ngày, không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn vi phạm về an toàn lao động, như chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, đường và cửa thoát hiểm không đúng tiêu chuẩn, nhiều rủi ro về điện, không lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ Lao động cho biết, các sai phạm trong ngành dệt may đang diễn ra khá phức tạp. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Doanh nghiệp muốn có nhiều bạn hàng, đơn hàng, xuất được được sản phẩm thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đặc biệt là công ước chống lao động cưỡng bức.

"Mở chiến dịch thanh tra trong ngành này để doanh nghiệp khởi động thật tốt việc tuân thủ pháp luật lao động khi Việt Nam gia nhập TPP. Mục tiêu của chiến dịch là truyền thông, tư vấn cho doanh nghiệp, nhưng nếu vi phạm thì vẫn bị xử phạt", ông Tùng nói.

Hiện, cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, thu hút hơn 2,5 triệu lao động, chiếm 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp. Dệt may mặc được đánh giá là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 13,6% doanh thu xuất khẩu vào 10,5% tổng GDP của cả nước.

Các địa phương được thanh tra gồm: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Bến Tre.

Theo Vnexpress