Năm 2015, tiền lương của người lao động đạt bình quân 5,53 triệu đồng/người/tháng (tăng 8% so với năm 2014). Còn tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2016 tăng ở mức cao hơn (gần 16% so với năm 2015). Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp nợ lương và không có thưởng Tết đối với người lao động vẫn xảy ra. Phóng viên phỏng vấn bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng vụ lao động tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về những thông tin cụ thể.
PV: Thưa bà, trước hết xin bà cho biết căn cứ vào đâu để có thể khẳng định tiền lương năm 2015 của người lao động tăng so với năm 2014?
Bà Tống Thị Minh: Năm 2015, qua đánh giá tình hình doanh nghiệp thì thấy khoảng 79 đến 80% các doanh nghiệp có khối lượng sản xuất tương đối ổn định và tăng. Đây chính là điều kiện tiền đề để người lao động có mức lương tăng cao hơn so với năm 2014.
Năm 2015 năng suất lao động xã hội mà tính theo giá hiện hành đạt 79,3 triệu đồng một lao động. Mức này tương đương 3 nghìn 657 đồng/lao động và tăng so với năm 2010. Tính theo giá so sánh 2010, năng suất lao động năm 2015 tăng ở mức 6,4%, cao hơn nhiều so với những năm trước vào khoảng 3 đến 3,5%. Như vậy là sản xuất kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động.
Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cũng như điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành cho thấy: Tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014. Điển hình là tiền lương bình quân ước đạt 5.530 nghìn đồng/người/tháng (tăng 8% so với năm 2014). Còn xét theo khối doanh nghiệp thì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có mức lương cao hơn các doanh nghiệp khác là 7 triệu 040 nghìn đồng/người/tháng (tăng khoảng 8% so với năm 2014). Doanh nghiệp tư nhân ước đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng (tăng 6% so với năm 2014) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 5 triệu 470 nghìn đồng/người/tháng (tăng 9% so với năm 2014).
Vậy bà có thể cho biết, tiền lương của người lao động ở từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau diễn ra như thế nào trong năm qua?
Bà Tống Thị Minh: Theo từng ngành nghề thì do những yếu tố thuận lợi và khó khăn khác nhau, cho nên ở các ngành nghề có các mức lương khác nhau. Đối với ngành thương mại và dịch vụ thì tiền lương ước đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng (tăng 8,8% so với năm 2014), nhưng đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp thì người lao động chỉ đạt mức 4,45 triệu đồng/người/tháng (tăng ở mức 3% so với năm 2014). Còn đối với công nghiệp và xây dựng thì năm 2015 cũng là năm có mức tăng trưởng ấn tượng, cho nên lương của người lao động ước đạt 5,34 triệu /người/tháng (tăng 11% so với năm 2014)
Đáng lưu ý là năm 2015, ngành dệt may- da giầy- túi xách có số lượng đơn hàng tương đối ổn định và tăng, cho nên tiền lương của người lao động ở mức tăng khá. Trong đó, lao động dệt may đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng (tăng 7,5% so với năm 2014). Da giày, người lao động có mức lương 4,45 triệu đồng/người/tháng và tăng xấp xỉ 9% so với năm 2014. Đối với một số ngành như: Chế biến thủy sản và chế biến gỗ thì cũng đều tăng nhưng thấp hơn, ở mức xấp xỉ 5% và hơn 5% so với năm 2014
Một điểm nữa của năm 2015, đấy là do ảnh hưởng của giá cao su và giá dầu, cho nên đối với ngành cao su và những ngành chịu tác động bởi giá dầu của thế giới thì năm 2015 những doanh nghiệp này có khó khăn. Mặc dù sản lượng tăng nhưng do giá giảm nên các doanh nghiệp này đều có doanh thu và lợi nhuận giảm. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này thì giai đoạn vừa rồi cơ bản giữ ổn định được số lao động, có nghĩa là đảm bảo được việc làm cho người lao động nhưng tiền lương của người lao động giảm khoảng 3 đến 5%, tùy theo từng doanh nghiệp.
Còn mức thưởng Tết của các doanh nghiệp đối với người lao động năm nay ra sao, thưa bà?
Bà Tống Thị Minh: Về tình hình thưởng Tết năm 2016, thì đến nay ở 63 tỉnh thành phố có hơn 13 nghìn doanh nghiệp, với 2,4 triệu lao động đã có báo cáo về thưởng Tết dương lịch vừa rồi cũng như là thưởng Tết nguyên đán.
Về thưởng Tết dương lịch, thì 72% số doanh nghiệp báo cáo (từ là hơn 13 nghìn doanh nghiệp) có tiền thưởng Tết dương lịch, bình quân 1,2 triệu đồng/người (mức này tăng 1,6% so với mức thưởng Tết dương lịch năm 2015). Còn thưởng Tết nguyên đán năm 2016 có 87% số doanh nghiệp báo cáo đã có tiền thưởng Tết cho người lao động, với mức bình quân tương đương với 1 tháng lương của năm 2015 (tức là vào khoảng 5,5 triệu đồng/người). Mức thưởng này cao hơn mức thưởng Tết nguyên đán của năm trước là 15,7%.
Cùng những con số như bà vừa nói thì ở nhiều nơi người lao động vẫn phản ánh bị nợ lương và không có thưởng Tết, vậy là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ đã làm gì đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thưa bà?
Bà Tống Thị Minh: Bên cạnh số liệu về lương, thưởng Tết như vậy thì có 14 doanh nghiệp ở 8 tỉnh, thành phố (trong số 13 nghìn doanh nghiệp báo cáo) hiện nay còn nợ 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 lao động. Và 1.700 doanh nghiệp (chiếm 13% số doanh nghiệp báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc sẽ không có tiền thưởng Tết nguyên đán cho người lao động
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không để người dân nào không có Tết, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan Bộ và ngang bộ chỉ đạo các cơ quan ở địa phương tiếp tục rà soát, nắm tình hình, kết hợp với tuyên truyền vận động, động viên, trao đỏi với người sử dụng lao động tìm mọi biện pháp thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm trong dịp Tết này, cũng như tiết giảm các chi phí khác để có thêm nguồn thực hiện trả nợ lương cho người lao động, cũng như là chia sẻ với người lao động những khó khăn chi tiêu trong dịp Tết.
Vâng, xin cảm ơn bà.
Theo VOV