Hai bộ Tài chính-Giao thông yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước

Trước xu hướng giảm của giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý giá cước ô tô trên địa bàn.
Việc xăng dầu giảm mạnh như trên nhất định sẽ có tác động nhất định đến giá cước ô tô (Ảnh: Phan Diệu)
Việc xăng dầu giảm mạnh như trên nhất định sẽ có tác động nhất định đến giá cước ô tô (Ảnh: Phan Diệu)

Ngày 5.1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô tại địa phương.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2015, trước xu hướng giảm của giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã có các công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn.

Đến nay, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo đơn vị vận tải ô tô kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng dầu.

Ngày 4.1.2016, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít về mức giá không quá 16.032 đồng/lít, giá xăng sinh học (E5) giảm 571 đồng/lít, về mức tối đa 15.339 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu có mức giảm mạnh hơn, trong đó giá dầu diesel giảm 865 đồng/lít về mức giá tối đa 11.119 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 791 đồng/lít về mức giá không quá 10.274 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 616 đồng/kg về mức giá bán tối đa 7.456 đồng/kg.

Vì vậy, đối với giá cước vận tải bằng ô tô, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết.

Bên cạnh đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.

Đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm và công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, ngày 21.12, vào đợt giảm giá xăng dầu trước, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải tại các địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá.

Ngay sau đó, một số địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải ô tô kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm của giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu giảm mạnh vào đợt trước dường như vẫn chưa đủ để các doanh nghiệp vận tải nghĩ đến kế hoạch giảm giá.

Tính từ thời điểm giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng Ron 92 đã tăng 2 lần với tổng mức tăng là 800 đồng/lít; giảm 6 lần với tổng mức giảm là 2.103 đồng/lít. Dầu diezel đã tăng 2 lần với mức tăng là 790 đồng/lít, giảm 4 lần với tổng mức giảm 2.985 đồng/lít.

Như vậy, việc giá xăng dầu giảm mạnh như trên nhất định sẽ có tác động nhất định đến giá cước  ô tô. Tuy nhiên, việc công văn này được ban hành trước thềm Tết Nguyên đán đang đến gần, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh thì việc lo ngại các doanh nghiệp vận tải “làm ngơ” trước việc giảm giá cước là điều hoàn toàn có thể.

Theo Một thế giới