Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc là danh hiệu được trao cho những bệnh viện thực hiện tốt và đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, được gắn biển công nhận, được vinh danh và thông báo trên phương tiện truyền thông để sản phụ và gia đình có thông tin lựa chọn nơi sinh”.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho hay: “Đây là sự đánh giá cao của bệnh nhân và người nhà đối với dịch vụ, theo đúng chủ trương của Bộ Y tế lấy khách hàng làm trung tâm, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà người bệnh”.
Được biết, ở Việt Nam, 94% ca sinh diễn ra trong cơ sở y tế, nhưng chỉ có 27% trẻ được bú sớm một giờ đầu sau sinh. Một trong những lý do trẻ không được bú sớm là việc tách mẹ và con để cân, hoặc tiêm vitamin K – đây là các can thiệp có thể thực hiện sau khi trẻ được da kề da đủ 90 phút và có bữa bú đầu tiên.
Khảo sát điện thoại với 3.450 bà mẹ và người nhà, do Bộ Y tế và các đơn vị thực hiện trong đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc cho thấy, có tới 84% bà mẹ phản hồi được da kề da với bé, nhưng chỉ có 39% bà mẹ phản hồi thời gian da kề da đủ 90 phút. Do đó, chỉ có 63% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện.
28 bệnh viện đăng ký tham gia đề án Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc năm 2019
|
Theo BS. Nguyễn Thụy Thùy Ái - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, ban đầu, Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn để sắp xếp lại quy trình đảm bảo da kề da liên tục 90 phút. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và y bác sĩ rất quyết tâm. Khi thấy trẻ trườn trên ngực tìm vú mẹ và có được bữa bú đầu tiên, mẹ và bé đều rất vui. Chúng tôi cũng thấy vui và lấy đó thêm quyết tâm để hỗ trợ mẹ cho bé bú hoàn toàn trong thời gian ở viện”.
Ông Roger Mathisen - Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng Bệnh viện Thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc sau khi được trao danh hiệu sẽ duy trì và tiếp tục thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, giảm thiểu sinh mổ chủ động, khuyến khích phòng sinh gia đình để bà mẹ được thoải mái nhất, thúc đẩy oxytocin tiết sữa.”
Hiện, đã có 28 bệnh viện đăng ký tham gia đề án, bao gồm các bệnh viện công và tư, hơn một nửa trong số đó là bệnh viện tuyến huyện. Việc công nhận không chỉ giới hạn trong các bệnh viện sản nhi và các bệnh viện tuyến trên nhằm tạo ra sự cạnh tranh tích cực giữa các bệnh viện trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Nếu toàn bộ 28 bệnh viện đạt danh hiệu, sẽ có khoảng 235,000 trẻ, tức 17% số trẻ sinh ra ở Việt Nam sẽ được sinh ra trong các Bệnh viện Thực hành Nuôi con sữa mẹ xuất sắc.
Hai tỉnh có bệnh viện đầu tiên được trao danh hiệu đã cam kết sẽ nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Ngày 6 tháng 8 năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3451/QĐ-BYT quy định “Tiêu chí và quy trình công nhận danh hiệu Bệnh viện Thực hành Nuôi con sữa mẹ xuất sắc” áp dụng toàn quốc. “Đây không phải danh hiệu trọn đời. Sau 5 năm, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh sẽ tiến hành đánh giá lại toàn diện. Hàng năm, việc đánh giá Bệnh viện thực hành nuôi con sữa mẹ xuất sắc được lồng ghép trong hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện và việc khảo sát điện thoại với sản phụ sẽ được duy trì hàng quý" - Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho hay. |
Ông Nguyễn Văn Dũng - Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho hay: “Sau khi Bệnh viện Trần Văn Thời được công nhận, chúng tôi cam kết xây dựng Cà Mau là tỉnh thực hiện nuôi con sữa mẹ xuất sắc”.
Chia sẻ về quá trình thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, BS. Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc Bệnh viện Trần Văn Thời cho biết: “Mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong việc quảng cáo sản phẩm mạnh mẽ của các hãng sữa công thức, nhưng với kinh nghiệm thực hiện tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian vừa qua, cùng nhiệt huyết của cán bộ y tế, chúng tôi vẫn luôn kiên quyết với châm ngôn “Bệnh viện thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, nói không với sữa công thức”.