Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8/2016, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: ”Thủ tướng đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Sabeco và Habeco phải thực hiện công khai minh bạch, theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tránh lợi ích nhóm khi thoái vốn, gây thiệt hại cho nhà nước, cổ đông. Trước khi thoái vốn 2 đơn vị này phải niêm yết, để đảm bảo tính chính sách và minh bạch phải tổ chức tư vấn kể cả thuê tư vấn nước ngoài”.
“Do quy mô vốn tại Habeco và Sabeco khác nhau nên chúng tôi cũng đã trình lộ trình thoái vốn của từng DN khác nhau. Dự kiến cụ thể, đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước là 81,79% tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016, thứ hai, với Sabeco, do quy mô lớn nên Bộ Công thương đề nghị thoái vốn thuộc sở hữu nhà nước theo lộ trình là 2 đợt: Đợt 1 là bán 53,59% vốn điều lệ tương đương với 24000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại tương đương với 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco thực hiện niêm yết” - Thứ trưởng Bộ Công thương nói về kế hoạch thoái vốn của Habeco và Sabeco
Cũng trong buổi họp này, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết: “Thủ tướng yêu cầu 2 DN này phải niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán, để tạo minh bạch về tài chính, có sự giao dịch ở trên sàn, lấy giá giao dịch dẫn chiếu để xem xét nghiên cứu đấu giá, đồng thời, thể hiện khả năng bán cũng như sức mua của doanh nghiệp”.
“Đây là chuyện bắt buộc phải niêm yết, không phải chuyện có hay không nữa” – Ông Dũng nói.
Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, tại họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 9/2016, khi phóng viên hỏi về vấn đề Sabeco, Habeco có kịp lên sàn trong năm 2016 để nhà nước thoái vốn hay không, đại diện Bộ công thương cho biết việc niêm yết 2 DN này trên sàn trong năm 2016 đang gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trần tình: “Mặc dù Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo quyết liệt, cố gắng trong năm 2016 để đưa 2 doanh nghiệp lên sàn, nhưng khi triển khai thực hiện mất rất nhiều thời gian, riêng thủ tục lên sàn hiện nay theo quy định cũng đã mất 12-14 tuần. Trong khi đó, đối với Habeco, đang có nhiều vướng mắc cần giải quyết với NĐT chiến lược lược là Carlsberg nên cũng rất mất nhiều thời gian. Việc lên sàn của hai doanh nghiệp trong năm 2016 đang gặp nhiều khó khăn. Và nếu có chậm thì cũng chỉ quý I năm 2017”
Cũng trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại: “Chủ trương của Chính phủ là cương quyết sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trong đó có việc bán phần vốn tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ, với chủ trương nhất quán là minh bạch công khai bán cho các doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước, và theo hình thức đấu giá, không bán cho một NĐT.
Việc Habeco và Sabeco lên sàn chậm là do lỗi hai doanh nghiệp này vì đã cổ phần hóa từ lâu. Nhà nước muốn thoái vốn thì về nguyên tắc các DN này phải lên sàn chứng khoán để xác định giá tham chiếu, làm căn cứ cho giá khi thoái và mục tiêu cuối cùng là phải mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước.
“Việc thủ tướng đã giao cho 2 DN này là phải niêm yết trên sàn chứng khoán và thực hiện trong năm 2016, nếu như thực hiện chậm Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ, hai DN Sabeco và Habeco có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công thương” – Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh.