Hà Nội, TP HCM được quyền hạn chế phương tiện cá nhân

Theo Bộ trưởng GTVT, Chính phủ đã phân quyền cho các địa phương lập đề án hạn chế xe cá nhân và thực hiện có lộ trình, tùy từng loại phương tiện, tuyến đường. Chính phủ “đã giao các địa phương lập đề án trình HĐND vì từng địa phương có đặc thù  khác nhau” - ông Thăng cho biết
Hà Nội, TP HCM được quyền hạn chế phương tiện cá nhân

Phát biểu trong hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Chính phủ đã đồng ý các tỉnh lập đề án riêng và trình HDDND quyết định.

“Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình HĐND vì từng địa phương có đặc thù  khác nhau”, ông Thăng nói.

Ông cho biết thêm, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, cơ quan này đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều thức như theo từng tuyến đường, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định.

Bộ trưởng Thăng cho biết,việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều thức như theo từng tuyến đường, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định. Ảnh:Hoàng Hà.

Bộ trưởng Thăng cho biết,việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều thức như theo từng tuyến đường, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định. Ảnh:Hoàng Hà.

Cũng theo ông Thăng, đề án này có yêu cầu là sẽ đẩy mạnh sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân, trong đó cụ thể trên từng tuyến phố, từng thời gian cao điểm hay thấp điểm...

Tại hội nghị một ngày trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất cho phép thủ đô được thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án tổng thể giảm ùn tắc tới 2020 đã được HĐND Hà Nội thông qua vào đầu tháng 12.

Theo ông Chung, bình quân hàng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào thủ đô và 7 triệu xe máy (chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm, người mua sẽ tăng lên).

"Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Nếu không có giải pháp thì Hà Nội tin rằng 4-5 năm nữa tình hình sẽ phức tạp", ông Chung nói.

Hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc trước 2020

Điểm danh các dự án cao tốc cần hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, người đứng đầu Bộ Giao thông cho hay, kế hoạch đến năm 2016 là hoàn thành được 2.000 km cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa – Vũng Áng, cao tốc Lai Châu - Nội Bài – Lào Cai.

Với đường sắt, nhiệm vụ thời gian tới sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, nâng cấp để tăng tốc độ vận chuyển lên 70 km/h với chở khách và 60 km/h với chở hàng. Đồng thời, ngành sẽ triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nôi – Bắc Giang với tốc độ 160-200 km/h.

Riêng ngành hàng không, Bộ trưởng Thăng cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã “giúp đỡ ngành giao thông, cho đất để làm thêm sân đỗ, đường lăn”.

Ông Thăng cho biết, các dự án sân bay cần mở rộng trong thời gian tới là Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Pleiku, Cát Bi, và Đà Nẵng. Theo quy hoạch đến năm 2020, quy mô của sân bay Đà Nẵng chỉ là 6 triệu khách, nhưng đến nay đã là 7 triệu. Theo yêu cầu, sân bay này cần mở rộng nhà ga quốc tế mới để đón thêm 6 triệu khách vào năm 2017.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ về vốn, do việc xã hội hóa các dự án giao thông chỉ giúp chủ động được 15% nguồn vốn.

Ngoài ra, việc giải quyết các phần vốn dư của các dự án đường Hồ Chí Minh và đường 1 cũng cần xử lý nhanh, thay vì chờ 2 năm. Với các dự án đã được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Thăng đề nghị được thực hiện giải ngân ngay.

Việc kiểm soát tải trọng phương tiện, theo nhận định của Bộ Giao thông vận tải, đã giải quyết được 85%, nhưng 15% còn lại là rất khó khăn, cần có sự hỗ trợ của các bộ ngành.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, nếu các danh mục dự án giao thông đã được thông qua tại Quốc hội, tuân thủ đúng nguyên tắc, đã xây dựng dự án thì cần thẩm định và đầu tư luôn, "không nên để ách tắc ở chỗ không đáng".

Thủ tướng cũng yêu cầu việc thẩm định các dự án cần làm kỹ lưỡng và phải có chỉ định tiết kiệm bao nhiêu % tổng vốn đầu tư, thay vì đấu thầu giá rẻ nhưng thực hiện kéo dài, giảm chất lượng.

Theo Zing