Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030" vừa được UBND TP. Hà Nội ký ban hành ngày 24/8.
Theo đó, để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn, tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.
Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm; đạt từ 18% đến 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt từ 16% đến 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cùng với quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Cụ thể nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Trước đó, đầu tháng 7, đề án này cũng đã được HĐND thông qua với sự nhất trí cao của các đại biểu. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu. Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.