Chiều 21/2, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết sau thành công của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa, Sở đang đề xuất với thành phố cho mở thêm tuyến buýt nhanh từ Kim Mã đến khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc, nơi tập trung nhiều cán bộ, viên chức, công nhân học tập và làm việc.
Theo số liệu thống kê, tháng 1/2017 tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa đã vận hành 9.394 lượt xe buýt nhanh BRT (đạt 99,99% kế hoạch), vận chuyển được gần 375.700 lượt hành khách (bình quân 40 hành khách/lượt). Ngày cao nhất, tuyến buýt nhanh Kim Mã-Yên Nghĩa vận chuyển trên 16.600 hành khách. Bình quân mỗi nhà chờ phục vụ 527 hành khách/ngày, trong đó, điểm đầu Kim Mã mỗi ngày bình quân đón 1.988 hành khách.
Các nhà chờ Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan, Giảng Võ bình quân mỗi ngày đón khoảng gần 1.000 lượt khách. Buýt nhanh BRT đã vận hành theo đúng phương án, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, thu hút được hành khách đi xe buýt. Ý thức người tham gia giao thông trên tuyến được cải thiện. Đa số các phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT.
Thời gian qua, tuyến buýt nhanh BRT được đánh giá là có chất lượng dịch vụ cao và có sự khác biệt rõ rệt với xe buýt thường, thân thiện với người sử dụng, do vậy đã thu hút được đa dạng đối tượng hành khách.
Trước đó, theo Quy hoạch đã được phê duyệt, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa. Trong đó, bao gồm: Tuyến 02 Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km; 03 Sơn Đồng - Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km; 04 Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km; 05 Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km; 06 Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km; 07 Ba La - Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km; 08 Ứng Hòa - Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km.