Ngày 15/1, tại nghị Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 12, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, trong năm 2018 TP Hà Nội phải trình Bộ Chính trị đề án Chính quyền đô thị, đây là vấn đề rất lớn, sẽ động chạm đến tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, ngân sách tài chính… Do vậy, cần phải có sự tập trung của lãnh đạo các sở ngành, quận huyện thì mới xây dựng được đề án.
Về vấn đề liên quan đến sáp nhập một số cơ quan trong bộ máy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố chỉ nêu ra mô hình, nguyên tắc như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND và chưa thực hiện đồng bộ, nơi nào có điều kiện thì thực hiện. Trên cơ sở các địa bàn tự đăng ký, Thành phố sẽ thẩm định xem có thực hiện được hay không.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết thêm, vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy trình sơ bộ quy chế, tuy nhiên việc này phải làm hết sức chặt chẽ, cẩn thận, địa bàn nào đủ điều kiện mới thực hiện. Thành ủy Hà Nội cũng đã giao cho Ban Tổ chức tham mưu xây dựng quy chế chức danh kiêm nhiệm. Trên cơ sở quy chế đó, thành phố sẽ lựa chọn cơ quan, tổ chức đủ điều kiện thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội chính quyền đô thị không đơn giản chỉ là hợp nhất giữa chức danh Bí thư, Chủ tịch mà phải giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bộ máy hành chính. Thường vụ Thành ủy cần sớm định hướng xây dựng bộ máy chính quyền đô thị ở Hà Nội.
Trước đó, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 11, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Bộ Chính trị đồng tình để TP Hà Nội được thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.