Đây là ý kiến của ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội – đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với các quận huyện trên địa bàn TP. Hà Nội nhằm tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan diễn ra vào chiều nay (14/1).
Đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội
Thông tin về việc đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Hiền cho biết: Sở Y tế TP. Hà Nội đã hoàn thiện các công việc cần thiết trong đó có việc xét nghiệm những người dự Đại hội. Theo kể hoạch, từ ngày 18 đến ngày 23/1, toàn thành phố sẽ đồng loạt tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và lần 2 cho các đại biểu tham dự Đại hội.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - nhấn mạnh: “Do tình trạng nhập cảnh trái phép gia tăng trong thời gian gần đây nên để bảo đảm an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc, Bộ Tư lệnh Thủ đô đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát khu cách ly tập trung dân sự để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định chống dịch”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: Minh Thuý) |
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn đề xuất để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương, các đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư, cộng đồng chủ động phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép. "Việc này không chỉ có lực lượng công an, bộ đội, mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị mới chặt chẽ được, nhất là trong dịp Tết sắp tới"- ông Sơn nhấn mạnh.
Nhận định về tình hình dịch COVID-19, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội - cho hay: Hà Nội đã qua 150 ngày liên tiếp không phát hiện bệnh nhân mắc mới ngoài cộng đồng. Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.
Điển hình như quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 500 người không đeo khẩu trang với tổng số tiền phạt là 107 triệu đồng, quận Nam Từ Liêm đã xử phạt với số tiền 200 triệu đồng. Đặc biệt, quận Tây Hồ đã có chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong ngày mùng 1 âm lịch vừa qua đã không còn tình trạng đông người tụ tập không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch ở phủ Tây Hồ.
Đầu năm 2022 vaccine phòng COVID-19 mới được đưa vào sử dụng
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – hiện người dân đang dành sự quan tâm đặc biệt tới vaccine phòng COVID-19. Đến nay nước ta có tổng cộng 4 đơn vị sản xuất vaccine, đồng thời, các đơn vị đang tích cực nhập khẩu vaccine đảm bảo chất lượng trên thế giới. Song, dự kiến đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 thì vaccine phòng COVID-19 mới có thể đưa vào sử dụng.
Chính vì thế, ông Phu nhấn mạnh: “Biện pháp phòng dịch chủ yếu hiện nay vẫn chưa thay đổi, đó là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng và dập dịch theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã nhắc: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trinh sát”.
Cán bộ y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh: Vũ Nga) |
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị tham gia, ông Chử Xuân Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP, Hà Nội – cho biết: Tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 2 ca mắc mới được cách ly ngay khi nhập cảnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại trong cộng đồng là rất cao.
Vì vậy, ông Dũng nhắc nhở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao ý thức tinh thần, trách nhiệm của người dân để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, các quận, huyện cần phát động phong trào quần chúng; không được 1 phút lơi là; công an TP. Hà Nội cần kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ Tư lệnh Thủ đô phải chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý chặt chẽ đối tượng cách ly, không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đeo khẩu trang nơi công cộng, khu di tích, ngoài đường, chợ, siêu thị,…