Sẽ nhanh hơn từ 5-10 phút
Chiều 19/12, tại buổi họp báo thông tin việc triển khai tuyến buýt BRT bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa, nhiều ý kiến e ngại việc vận hành buýt nhanh BRT sẽ không đạt như dự kiến, gây kém hiệu quả. Cụ thể, với thực trạng hạ tầng như hiện nay tốc độ buýt BRT khó đạt kế hoạch, thậm chí e ngại buýt nhanh không nhanh hơn buýt thường là mấy; hay việc phân làn, nắn tuyến sẽ làm gây quá tải các tuyến đường phụ cận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành GTĐT cho biết, vận tốc khai thác buýt nhanh BRT sẽ đạt 19,6 km/h, thời gian dự kiến chạy theo lộ trình là 45 phút/lượt xe, nhanh hơn buýt thường từ 5-10 phút, chậm hơn so với tốc độ thiết kế là 4,1 km/h.
Ông cho biết, xe buýt BRT có thiết kế mới, hiện đại: xe sử dụng hộp số tự động trong khi đó xe buýt thường 400-500 mét phải thay đổi số, trang bị các thiết bị công nghệ tiện ích như camera giám sát hành trình, wifi phục vụ hành khách, xe có hệ thống sàn phẳng, bằng,.... Hơn nữa buýt BRT có làn đường riêng, không bị xung đột, lái xe không phải ra vào nhiều lần, các vị trí xung yếu có lực lượng ứng trực điều hành cho nên xe buýt nhanh BRT sẽ nhanh hơn buýt thường, đảm bảo tốc độ và thời gian vận hành theo lộ trình.
Ông Hải cũng khẳng định: “Chúng tôi phải có trách nhiệm trong việc xử lý vận tốc có đạt được hay không?”
Tại buổi họp ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội giải thích thêm, đây là dự án sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Dự án thử nghiệm trên tuyến đông đúc thường xuyên ùn tắc, mà để giải quyết ùn tắc thì phải thay thế bằng phương tiện công cộng. Với sự có mặt của xe buýt BRT trong tương lại tin rằng lượng phương tiện giao thông cá nhân sẽ giảm, kéo theo giảm ùn tắc giao thông. Ông Viện khẳng định: Với tiêu chí đặt ra chắc chắn BRT sẽ nhanh hơn buýt thường.
Ông Viện cho rằng, trong điều kiện năng lực vận tải công cộng của Thủ đô Hà Nội còn nhiều hạn chế, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, dẫn đến khả năng gia tăng ùn tắc giao thông trong thời gian tới. Việc đưa tuyến xe buýt nhanh BRT vào vận hành thí điểm vừa đảm bảo nâng cao năng lực giao thông công cộng, góp phần giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, vừa giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông trong khu vực. Trong tương lai, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhanh BRT.
Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND TP HN phê duyệt từ năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh các năm 2013, 2016. Trong đó hợp phần xe buýt BRT với kinh phí 53,6 triệu USD (giá trị dự toán là 41,6 triệu USD) thực hiện đầu tư xây dựng tuyến xe buýt có dịch vụ chất lượng cao gồm nhiều hạng mục như: xây dựng tòa nhà văn phòng và trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối và ga depot tại bến xe Yên Nghĩa; Mua sắm và lắp đặt thiết bị tại khu bảo dướng, sữa chữa trong bến xe Yên Nghĩa; Mua sắm và lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ. Trong đó, có 08 cầu xây mới, cải tạo 02 cầu hiện có; Xây dựng đường và 21 nhà chờ xe buýt dọc tuyến; Gia cố cầu vượt nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà; Mua sắm và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến BRT; Mua sắm đoàn xe BRT, gồm 35 chiếc được thiết kế hiện đại và các hạng mục phụ trợ.
Theo chỉ tiêu vận hành buýt nhanh BRT, thời gian phục vụ của toàn tuyến là 17 giờ (5h00 đến 22h00); tần suất phục vụ: ngày thường 5-10-15 phút/lượt; ngày chủ nhật 7-10-15 phút/lượt; lượt xe hoạt động/ngày: ngày thường 358 lượt, ngày chủ nhật 264 lượt; phương tiện sử dụng là 24 xe, só xe vận hành ngày thường là 20, số xe vận hành ngày chủ nhật là 14; cự ly vận chuyển là 14,77 km.
Chậm do thiếu khung pháp lý
Bà Jung Eun Oh, Trưởng Ban Giao thông Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đồng Giám đốc dự án giải thích 4 nguyên nhân gây ra sự chậm chễ trong việc triển khai dự án buýt BRT.
Theo đó, do hành lang cho BRT thay đổi so với ban đầu vì vậy Ngân hàng thế giới phải điều chỉnh lại kế hoạch chi tiết, kế hoạch kỹ thuật của dự án. Do tốc độ phát triển giao thông, phương tiện cá nhân của Hà Nội nhanh nên hành lang cho BRT phải điều chỉnh thay đổi lại.
Giải pháp BRT là giải pháp mới, lần đầu tiên thực hiện ở Hà Nội chưa có đủ cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, hệ thống giao thông công cộng còn thiếu, có nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật được triển khai lần đầu. Vì vậy sẽ mất thời gian. “Tuy nhiên, sự chậm chễ này không phải là bất bình thường cho dự án giao thông đô thị. Thành phố Hà Nội không phải là thành phố duy nhất thực hiện BRT chậm chễ”, bà Jung Eun Oh nói.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ kéo dài ở dự án buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã, là do thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật BRT; nhiều quy định về buýt nhanh nếu ban hành sẽ mâu thuẫn với các quy định liên quan đến giao thông trước đó. “Vừa làm Sở GTVT vừa phải trình lên các cơ quan chức năng để sửa đổi một số quy định cho phù hợp nên dẫn đến chậm tiến độ”, ông Viện nói.
Một nguyên nhân khác mà giám đốc Sở GTVT đưa ra là tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã có nhiều đoạn trùng với tuyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Do đó, dự án buýt nhanh phải “nhường” tuyến đường sắt số 2 hoàn thành trước.
Việc triển khai dự án đầu tư theo vốn ODA nên cũng có nhiều quy trình, thủ tục dẫn đến mất thêm thời gian. “Mặc dù dự án chậm hơn, các phần việc được thực hiện đúng không vượt quá tổng mức đầu tư”, ông Viện khẳng định.
Kế hoạch vận hành thử nghiệm BRT
Giai đoạn 1: từ 15/12 - 17/12 thử nghiệm các tác nghiệm tại đầu bến.
Giai đoạn 2: từ 18/12 - 23/12, lái xe thử nghiệm tác nghiệm trên làn đường riêng, dừng đỗ tại các trạm chờ dọc tuyến.
Giai đoạn 3: từ 24/12 - 27/12 thử nghiệm vận hành xe buýt BRT theo tiêu chí vận hành tuyến được phê duyệt với tình huống giả định dừng đón trả khách tại các điểm dừng, dừng chờ đèn tín hiệu dọc tuyến.
Giai đoạn 4: từ 27/12 - 28/12 thử nghiệm vận hành tuyến theo biểu đồ hoạt động của phương án trong các khung giờ cao điểm, rà soát tình trạng kỹ thuật toàn bộ đoàn phương tiện.
Giai đoạn 5: từ 29/12 - 31/12 hiệu chỉnh các thiết bị, bổ sung các nội dung cần thiết để tạo thuận lợi cho hoạt động của tuyến BRT; Tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tổ chức giao thông để sẵn sàng khi đưa tuyến vào hoạt động chính thức từ 01/01/2017.