Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy diễn ra vào chiều 30/5 ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện Hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng và đã mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước Hồ ngày càng một suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, cặn lơ lửng trong Hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc.
Ngoài ra, Hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Nước Hồ ở một số vị trí bị đổi màu, không còn giữ được màu xanh đặc hữu. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn dưới đáy Hồ Hoàn Kiếm rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước chỉ còn 0,5-08m.
Ông Hùng cho biết: “Đối với Hồ Hoàn kiếm phải giữ được tảo đặc thù là tảo xanh. Trong nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, chúng tôi cũng đề nghị các nhà khoa học phân tích xem còn tảo đặc hữu không, nếu còn sẽ lưu giữ lại để sau khi cải tạo sẽ cấy lại đảm bảo đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm”.
Do đó, TP đã giao Công ty Thoát nước Hà Nội triển khai việc nạo vét bùn và làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm. Yêu cầu quan trọng là trong quá trình làm sạch, phải giữ được màu xanh đặc hữu của nước hồ.
Đơn vị này đề xuất cải tạo môi trường Hồ Hoàn Kiếm qua 2 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ. Sau khi nạo vét sẽ bổ cập nước hồ Hoàn Kiếm bằng nước giếng khoan. Tiếp đó xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy 3C, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường nước, bảo tồn hệ thủy sinh.
Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội còn cho biết, vì Hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt nên dự án làm sạch nước Hồ sẽ phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao & du lịch, cùng đó, phải thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường xét duyệt đánh giá tác động môi trường.
Dự kiến, nếu có sự đồng thuận của 2 Bộ này, khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, đơn vị sẽ bắt đầu triển khai nạo vét và làm sạch hồ. Thời gian thi công dự kiến trong khoảng 120 ngày.