Thâu tóm đất vàng của Hãng Phim truyện Việt Nam: Đạo diễn đại tài

VietTimes -- Không ít người phải thán phục tài năng của vị "đạo diễn" trong “bộ phim” IPO Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang gây xôn xao dư luận. Nhưng khi cả VFS và người thôn tính cùng gặp khó khăn tài chính, thì những khu đất vàng mà VFS đang quản lý lại là lối thoát trong mơ của cả hai đơn vị này

 

Thâu tóm đất vàng của Hãng Phim truyện Việt Nam: Đạo diễn đại tài

“Khi thủy thủ ...đóng phim”, “Ngày mai, nghệ sĩ của hãng phim truyện Việt Nam sẽ đóng phim hay đi lái tàu”... Đó chỉ là một trong vài câu chuyện nghe rất ngược đời liên quan đến việc IPO Hãng phim truyện Việt Nam, tốn không ít giấy mực của giới báo chí trong những ngày qua. Nhưng nếu xét nguồn cơn của sự việc sẽ không ít người phải trầm trồ thán phục tài năng của vị đạo diễn đại tài ba đứng đằng sau “bộ phim” này.

Logic của điều phi logic

Dư luận được phen xôn xao khi một đơn vị ngoài ngành như Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) lại trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) sở hữu tới 65% cổ phần mà VFS vừa phát hành cổ phiểu lần đầu ra công chúng (IPO) hôm 14/4/2016.

Trên thị trường tài chính, nhà đầu tư chiến lược thường là các đơn vị có năng lực tài chính, và phải cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền về việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN, hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về: Chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp, Cung ứng nguyên vật liệu và phát triển thị trường sản phẩm, v.v.

Nhưng ở đây, với tiềm lực của hiện có của Vivaso, có 3 lý do để tin rằng việc vực dậy VFS để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng phim tư nhân khác có thể coi là  “điệp vụ bất khả thi”:

  • Thứ nhất, Vivaso vốn là một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, bốc xếp, cảng sông, sửa chữa đóng mới phương tiện thủy nội địa thì  lấy đâu ra kinh nghiệm, công nghệ để chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực cho VFS - một đơn vị thành lập từ năm 1953 có bề dày truyền thống trong nền điện ảnh Việt Nam. Ngược lại, giả thuyết về việc các nghệ sĩ của VFS được chuyển hướng đạo tạo sang lĩnh vực lái tàu và bốc xếp trong thời gian tới lại ít nhiều… “có cơ sở” hơn.

  • Thứ hai, Vivaso với vốn điều lệ 320 tỷ đồng mới cổ phần hóa từ năm 2014, nhưng theo “Bản công bố thông tin về việc thoái vốn cổ phần của nhà nước đầu tư tại Vivaso thông qua đấu giá” thì tính đến 9/2015 đơn vị này đã lỗ 7.9 tỷ đồng sau gần 1 năm cắt khỏi “bầu sữa” nhà nước. Vậy thì một đơn vị có truyền thống thua lỗ như VFS (VFS đang nợ hơn 90 tỷ đồng trong khi vốn thực xác định còn 19,7 tỷ đồng) đang kỳ vọng cổ phẩn hóa để có những đột phá mới sẽ học hỏi gì từ một Vivaso - “Nhà đầu tư chiến lược” chưa tự đứng được trên đôi chân của mình.

    Thứ ba, với tình hình tài chính như hiện tại thay vì đầu tư vào một doanh nghiệp cùng ngành theo sở trường của mình thì việc Vivaso bỏ ra tối thiểu 33 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần của VFS - một đợn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà Vivaso chưa hề có một chút kinh nghiệm nào, xem ra có thể là một thương vụ đầu tư … mạo hiểm.

Sự việc được đẩy lên cao trào khi Vivaso cam kết sẽ cùng VFS … tiếp tục đóng phim. Nhưng nếu xét toàn cục, câu chuyện đang trở nên hoàn toàn… hợp lý.

Ai là đạo diễn đại tài?

Hợp lý ở chỗ khi mà cả hai cùng gặp tình hình tài chính khó khăn thì những khu đất vàng mà VFS đang quản lý và sử dụng là lối thoát trong mơ của hai đơn vị này.

Cụ thể, VFS đang có trong tay mảnh đất vàng hơn 5.500m2 “view” Hồ Tây tại số 4 Thụy Khuê, HN.  Chưa kể 905 m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội) là trường quay phim. Ở TP. HCM, VFS còn sở hữu 600m2 ở đường Thái Văn Lung, ngay sau Nhà hát thành phố ở quận 1 TP.HCM.

Với VFS, sau cổ phần hóa họ sẽ “lấn sân” sang cả  lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của công ty.

Với Vivaso, việc chỉ phải bỏ ra có hơn 33 tỷ để sở hữu 65% cổ phần một công ty đang quản lý hàng nghìn mét đất vàng tại cả HN và Tp.HCM có thể được coi là thương vụ đầu tư “hời” nhất trong năm.

Sắp tới, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngoài chuyện đóng phim, VFS và Vivaso sẽ cùng nhau triển khai các dự án BĐS hoành tráng. Với và nếu VFS và Vivaso không đủ tiềm lực sẽ có những “ông lớn” BĐS giơ vai ra gánh vác cùng.

Kịch bản “đường vòng nhưng tới đích nhanh” không phải không có cơ sở, khi trong đợt IPO của VFS vừa rồi, Vaviso một mình một sân khấu. Bởi nếu là một đơn vị có tiềm lực tài chính và thương hiệu mạnh hơn, hẳn trách nhiệm gắn với VFS sẽ phải cao hơn rất nhiều, số tiền đầu tư cho phim ảnh cũng sẽ không phải nhỏ trong khi đó “đích” đến của câu chuyện này lại là những khu đất vàng của VFS.

Và khi các dự án BĐS được triển khai, lúc đó không chỉ có lãnh đạo VFS, Vivaso vui mừng mà chính những nghệ sĩ, diễn viên của VFS với tâm lý hoang mang trong thời điểm hiện tại cũng sẽ được hưởng những niềm vui, bất ngờ nho nhỏ. Nhưng người hưởng lợi lớn nhất từ thương vụ này chưa hẳn đã là người trong cuộc hiện nay.

Đức Nguyên