Được biết đến là một Dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại để bán và cho thuê trên khu “đất vàng” 62.400m2 tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, bởi khu đất này đã có kế hoạch rậm rịch làm dự án từ hồi 2008-2009 khi nhà máy Cao Su Sao Vàng có chủ trương di dời ra ngoại thành.
Vì thế, mảnh đất đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều đại gia địa ốc. Năm 2011, thị trường xôn xao với tin đồn Vincom (này là Vingroup) có quan tâm đến khu “đất vàng” này, và đầu tư một tổ hợp đô thị ở đây nhưng sau đó Vingroup đã phủ nhận thông tin này.
Từ đó, trong nhiều năm qua, CTCP Cao Su Sao Vàng luôn luôn xoay sở và tìm kiếm đối tác để triển khai dự án. Cổ đông của công ty nhiều lần sốt ruột với kế hoạch đầu tư dự án này, đặc biệt gần đây khi thị trường nhà đất khởi sắc. Do đó, giới đầu tư địa ốc Thủ đô luôn đặt câu hỏi vì sao dự án lại không được triển khai đã hơn nửa thập kỷ trên giấy? Mặc dù khu đất được nhiều “ông lớn” địa ốc thèm muốn.
Và đương nhiên không phải vì khu đất không được giá, mà chính bởi sự không đồng thuận giữa các cổ đông nội bộ Cao Su Sao Vàng đã khiến việc lựa chọn đối tác đầu tư cho dự án không hề đơn giản.
Giữa năm 2012 tưởng chừng như Dự án này đã được một liên doanh đối tác gồm Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP bất động sản Việt Hưng hợp tác đầu tư. Thậm chí, khi đó Cao Su Sao Vàng trình các cổ đông phương án mà đối tác đồng ý hỗ trợ di dời nhà máy với kinh phí 720 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,4 triệu đồng/m2. Mức chi phí này ngang bằng với giá một số dự án tương tự ở xung quanh.
Tuy nhiên, phương án này đã không có sự đồng thuận của cổ đông nội bộ, đã vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhất của Cao Su Sao Vàng là Tập đoàn Hóa Chất (sở hữu 51%), với nhiều lý do, trong đó có lý do là khu đất chưa được định giá rõ, năng lực đối tác chưa được thẩm định, tính khả thi của liên doanh này (Việt Hưng và Phú Mỹ)…
Không có sự thống nhất giữa các cổ đông, khu đất vẫn án binh bất động, và được đơn vị này cho thuê với khoản doanh thu ước tính khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.
Gần đây, thị trường bất động sản phục hồi và khởi sắc trở lại thì câu chuyện thâu tóm “đất vàng” Cao Su Sao Vàng lại xôn xao trên thị trường. Nhiều tin đồn cho rằng có rất nhiều thế lực mới nhòm ngó, những cái tên được nhắc tới như FLC, BRG,…Bên cạnh đó, Cao Su Sao Vàng cũng thể hiện rõ quyết tâm phải di dời nhà máy khi ký thỏa thuận hợp tác với VietinBank thu xếp khoản tín dụng khoảng 3.100 tỷ đồng, bằng 80% tổng dự toán di dời nhà máy để triển khai dự án.
Đến gần cuối 2015, bất ngờ Tập đoàn Hoành Sơn, một đơn vị không phải kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực BĐS lại được lựa chọn là đối tác, chứ không phải là những cái tên như FLC, VinGroup hay BRG mà giới đầu tư nghĩ đến.
Tại ĐHCĐ Cao Su Sao Vàng mới đây, 2 bên đã nhất trí lập công ty có vốn điều lệ 100 tỷ, trong đó Cao Su Sao Vàng góp 26% để triển khai dự án này. Lãnh đạo Cao Su Sao Vàng còn cho rằng thực chất số tiền góp vào công ty là do đối tác “nộp hộ” cho công ty.
Điều đáng chú ý hơn ở thương vụ thâu tóm khu đất vàng này đó là mức giá hiện tại để di dời nhà máy chỉ là 435 tỷ đồng, thấp hơn gần một nửa so với hồi 2012, đại diện công ty Cao Su Sao Vàng cho là giá hiện tại như vậy là có sự tham khảo ở một số nhà máy xung quanh cũng di dời.
Lý do Cao Su Sao Vàng lựa chọn Hoành Sơn theo đại diện công ty này còn nằm ở chỗ tập đoàn này có tiềm lực tài chính, đồng thời còn là đối tác đã làm nhiều dự án với Tập đoàn Hóa Chất (cổ đông lớn nhất ở Cao Su Sao Vàng).
Theo Trí thức trẻ