Các mối lo ngại của Grab
Grab cho biết được tiếp cận thông tin này qua kênh “báo chí” và “cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại” đối với các nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa trình lên Chính phủ.
Trong công văn, Grab đã trích dẫn và tập trung vào 2 quy định liên quan tới hợp việc áp dụng đồng vận tải điện tử và kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong dự thảo.
Đơn vị này cho biết các quy định mới này đồng nghĩa với việc các xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử như trước đây, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.
“Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội” – Grab bày tỏ lo ngại.
Liên quan tới Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Quyết định số 24) về "Ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" của Bộ GTVT, Grab đánh giá đây là “phép thử” mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam, mang lại rất nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối, và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh các kết quả hữu hình, Grab cho rằng việc ứng dụng KHCN đã giúp tăng sức cạnh tranh cho các đơn vị vận tải vừa và nhỏ trên thị trường, thức đẩy sự tăng trưởng của ngành vận tải hành khách. Các đơn vị vận tải lớn trong ngành cũng đã có sự chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà người tiêu dùng là bên có lợi nhất.
Đơn vị này cũng trích dẫn các số liệu của Tổng cục thống kê để bổ sung cho đóng góp thúc đẩy phát triển thị trường vận tải của đề án thí điểm.
Bên cạnh đó, Grab cho rằng đề án đã hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra những phương án quản lý hữu hiệu trong kỷ nguyên 4.0 và cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Grab cũng cho biết, công ty này đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế và thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn vị này bày tỏ lo ngại đối với một số doanh nghiệp taxi truyền thống “lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh” và cho rằng các doanh nghiệp này đã dùng nhiều cách để cản bước xâm nhập của công nghệ, trong đó có việc tác động tới Ban soạn thảo Nghị định.
Grab cho rằng điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.
“Chúng tôi cũng tha thiết mong muốn Ngài Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hãy công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại” – Grab nhấn mạnh trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Grab cũng cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn.
Nửa năm trước, Hiệp hội taxi 3 miền cũng chọn cách "kêu" lên Thủ tướng
Cụ thể, hồi đầu năm nay, ngày 9/3/2018, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (Hiệp hội taxi 3 miền) cũng đã gửi công văn kiến nghị lên Thủ tướng về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử.
Hiệp hội taxi 3 miền cho biết, kế hoạch thí điểm của Quyết định số 24 đã tạo điều kiện cho các hoạt động sai trái của Uber, Grab. Ngoài ra, việc thí điểm Uber, Grab có những sai sót, bất cập trong quản lý thuế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, không giới hạn phương tiện, không quản lý logo nhận diện phương tiện, sai sót trong việc quy định về chất lượng dịch vụ….
Tại công văn, hiệp hội này còn "kêu" rằng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) là đơn vị chủ quản ngành vận tải nhưng chưa lắng nghe và tiếp nhận các khuyến cáo, đề nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội taxi; Thậm chí từ các bộ ngành, sở GTVT, UBND tỉnh thành phố.
“Đây là điều đáng tiếc, ngành taxi có thể chết không phải do Uber, Grab mà chết vì chính sách”, văn bản nêu rõ.
"Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển" nhưng...
Ngày 24/10, phát biểu tại sự kiện “Smart IoT Việt Nam 2018”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn công nghệ và việc đầu tiên là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
"Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta", Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chia sẻ về cách tiếp cận chính sách mới được nhiều nước áp dụng có tên gọi là "Sandbox".
Theo đó, cách tiếp cận này có ý tưởng là "cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển" nhưng trong một không gian và thời gian nhất định nhằm để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, rồi mới hình thành chính sách, quy định quản lý.
Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phù hợp đẻ đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ./.