Đào tạo Bác sĩ Nội trú theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?

GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn: Mở rộng đào tạo để mọi người dân được công bằng trong khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nước tiên tiến trên thế giới đều bắt buộc đào tạo thêm sau khi học xong đại học Y. Bác sĩ học 6 năm ra trường chưa đủ điều kiện đi khám, chữa bệnh độc lập, vì dễ xảy ra sai sót y khoa.

vt-gs-van-va-gs-honjo-8167.png
GS. Tạ Thành Văn (phải) thăm thầy giáo cũ - GS. Tasuku Honjo, chủ nhân Giải thưởng Nobel Y học 2018 - ngày 20/2//2024

Với việc tiên phong trong đào tạo mở rộng Bác sĩ Nội trú (BSNT) ở Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đồng thời, hội nhập thế giới, Trường Đại học Y Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định hiệu quả của sự đổi mới.

Trên diễn đàn "Đào tạo BSNT theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?", các nhà quản lý bệnh viện (BV) và cơ sở đào tạo đã có nhiều ý kiến trao đổi khá phong phú. Đương nhiên, quan điểm của người đứng đầu Trường Đại học Y Hà Nội đặc biệt quan trọng trong tiến trình đổi mới mô hình đào tạo BSNT, vì thế, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. NGND. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - xung quanh vấn đề này. Trân trọng giới thiệu với quý độc giả:

+ Thưa giáo sư! Gần chục năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã đi đầu trong đào tạo mở rộng BSNT, góp phần thúc đẩy y tế phát triển. Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội, ông có thể cho biết lý do để Trường có bước đột phá này?

GS. Tạ Thành Văn: Lịch sử đào tạo BSNT ở Việt Nam kể từ sau CMTT khởi phát từ Trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1974, đến nay tròn 50 năm. Trong 40 năm đầu, chủ trương đào tạo BSNT là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chỉ tiêu có giới hạn, theo chương trình đặc biệt 3 năm sau khi kết thúc 6 năm.

Phải trải qua kỳ thi đầu vào rất khắc nghiệt, quá trình học và đầu ra đều yêu cầu rất cao, nên mỗi khoá chỉ rất ít BSNT được tuyển chọn. Khoá 14 của tôi chỉ có 15 BSNT được đào tạo trong số hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Y. Đây là một con số quá nhỏ so với yêu cầu thực tiễn.

Tổng kết 40 năm BNST (1974 - 2014) cho thấy, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo 1.812 BSNT, nhưng chỉ có 2 BSNT làm việc tại các BV của TP. Hà Nội, còn ở các tỉnh thì càng hiếm, tức là 99,99% BSNT làm việc ở BV tuyến TW.

Trong khi trên thế giới, đào tạo BSNT là bắt buộc. Ở Việt Nam, nhu cầu KCB chất lượng cao của người dân ngày càng tăng, do đó, mô hình đào tạo y tế cần thay đổi để hội nhập và phù hợp với nhu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực cao của đất nước.

Từ thực tế đó, Trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất với Bộ Y tế thay đổi cách thức thi tuyển, đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh BSNT, để đào tạo được nhiều BSNT có tay nghề cao, phục vụ các cơ sở y tế trong cả nước, giúp mọi người dân - kể cả vùng sâu vùng xa - được tiếp cận nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và công bằng trong khám, chữa bệnh (KCB).

vt-gs-van-o-nhat-3497.jpg
GS Tạ Thành Văn bên cạnh biểu tượng vinh danh người thầy của mình là GS. Tasuku Honjo - Giải Nobel Y học 2018 - tại cổng Khoa Y Trường Đại học Kyoto, tháng 2/2024

Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đào tạo BSNT, tiến tới bắt buộc đào tạo Nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp. Trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở đào tạo duy nhất được Bộ Y tế giao thí điểm từ 2015. Vì thế, 10 năm trở lại đây, mô hình đào tạo BSNT đã và đang thay đổi rất nhiều so với trước.

Trong 50 năm, Trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo 5.159 BSNT, trong đó, 40 năm đầu đào tạo được 1.812 BSNT, riêng 9 năm gần đây (2015-2023) là 3.347. Số BSNT của trường chiếm 41% BSNT trong toàn quốc.

Trước 2015, tỷ lệ sinh viên Y tốt nghiệp học BSNT chỉ dưới 10%, từ 2016 đến nay tăng từ trên 20% đến hơn 75%.

Đặc biệt, trước 2015, hơn 90% BSNT ở lại các trường hoặc các BV TW, nhưng sau 2015, tỷ lệ BSNT về BV tỉnh/TP, BV ngoài công lập tăng lên, khoảng 35%.

+ Là cựu BSNT, giáo sư có thể chia sẻ về những ưu thế từ quá trình học BSNT của mình?

GS. Tạ Thành Văn: Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, tôi học BNST ngay, liền mạch 9 năm. Vì thế, về mặt chuyên môn, ở thế hệ của tôi thì tôi đã vượt bạn cùng khóa mà không học BSNT ít nhất 10 năm, thậm chí 20 năm và thực tế, tôi đã dạy một số bạn cùng khoá ngày xưa. Vì các bạn về địa phương công tác rất lâu mới được đi học tiếp, nếu về tỉnh phải 5-10 năm, tuyến huyện còn lâu hơn nữa.

Kiến thức được những người thầy rất giỏi trao truyền trong quá trình học BSNT là nền tảng cho tôi trong quá trình học tiếp, ra nước ngoài, cũng như trong giảng dạy, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học và công tác quản lý sau này.

Thực tế, trong 50 năm đào tạo BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội, đã có những kết quả khá ấn tượng: Nhiều cựu BSNT đã trở thành lãnh đạo Bộ Y tế: 2 Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng, 1 Chủ tịch Công đoàn ngành, 1 Cục trưởng, 1 Vụ trưởng. Ngoài ra, còn 16 cựu BSNT là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; 84 cựu BSNT là Giám đốc, Phó Giám đốc BV TW, Viện Nghiên cứu.

vt-gs-van-1889.jpg
GS. Tạ Thành Văn trao đổi về mô hình đào tạo BSNT mở rộng

+ Thưa giáo sư, ông có ý kiến gì trước quan điểm cho rằng mở rộng đào tạo BSNT nhưng không nên đào tạo BSNT cho 100% bác sĩ khi tốt nghiệp, để tránh sa sút chất lượng?

GS. Tạ Thành Văn: Các nước trên thế giới đều bắt buộc đào tạo thêm sau khi học xong đại học Y 6 năm, ít nhất cũng phải có khoảng thời gian đào tạo "thực hành lâm sàng tiền hành nghề", khi bác sĩ mới ra trường phải làm việc dưới sự giám sát của bác sĩ có kinh nghiệm. Không ai dám để bác sĩ học 6 năm ra trường đã đi KCB, vì dễ xảy ra sai sót y khoa.

Vẫn cần kỳ thi đầu vào, nhưng quan trọng nhất là đào tạo BSNT có chất lượng, mà điều này phụ thuộc nhiều yếu tố: Cơ sở thực hành, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, đặc biệt là giám sát trong quá trình đào tạo và đầu ra.

Ở các nước, quá trình đào tạo, BSNT được đưa về các BV trong cả nước, học lý thuyết ít, học tay nghề là chính, tất nhiên, các BV của họ đều đạt chuẩn. Ở Việt Nam rất khác, BV tuyến TW còn ổn, chứ ở các tỉnh còn nhiều vấn đề, thiếu nhất vẫn là thầy giỏi. Tuy thế, vẫn cần phải dịch chuyển dần, vì giữ chỉ tiêu như xưa là không phù hợp.

Chúng ta cũng cần nhìn ở khía cạnh rộng hơn: Nếu có 2 phương án, thứ nhất là đào tạo 10 người giỏi xuất sắc mức 10 điểm, chỉ để phục vụ 100 người. Thứ 2 là có 100 người chỉ ở mức 8 điểm, nhưng có thể phục vụ 1.000 người dân. Tôi sẽ chọn phương án 2 vì 10 người dù xuất sắc cũng không thể phục vụ 1 triệu dân được, nhưng 1.000 người chỉ 8 điểm thôi, sẽ phục vụ số dân lớn và chất lượng tốt hơn rất nhiều trong thị trường lao động đặc thù này.

vt-bsnt-chong-covid-8635.jpg
GS. Tạ Thành Văn dặn dò và tiễn các BSNT khoá 45 lên đường chống dịch COVID-19 giai đoạn bùng phát đại dịch

+ Trong Diễn đàn về đổi mới mô hình đào tạo BSNT, có người e ngại sẽ thừa nhân lực nếu đào tạo BSNT mở rộng. Liệu có khả năng này không, thưa giáo sư?

GS. Tạ Thành Văn: Ý kiến đó dựa trên quan điểm ngày xưa, đào tạo xong, BSNT được chọn nơi công tác. Nhưng giờ, BSNT phổ cập, nên không có quyền đó nữa.

Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Ninh và dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn của Bộ Y tế, các BV Tâm Anh, BV Vinmec vv… đã ký hợp đồng đào tạo BSNT, cho thấy nhu cầu BSNT rất lớn, khi hiện nay hầu hết các tỉnh vẫn "trắng" BSNT, do đó, không sợ thừa.

Mở rộng đào tạo BSNT, để tuyến tỉnh và các cơ sở y tế tư nhân có BSNT. Cần lưu ý rằng, dù là cơ sở y tế công lập hay tư nhân, thì cũng đều là chăm sóc sức khoẻ cho người dân Việt Nam và cũng cần đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao.

Tất nhiên, việc điều phối nguồn lực phải có chính sách của nhà nước.

+ Là người đứng đầu ngôi trường có vai trò chính yếu trong đào tạo BSNT, theo giáo sư, thời gian tới, cần quan tâm đến những vấn đề gì để công tác đào tạo BSNT tiếp tục phát triển, phục vụ người dân tốt hơn?

GS. Tạ Thành Văn: Thứ nhất, đào tạo BSNT là nguồn nhân lực chất lượng cao nên phải coi là hình thức đào tạo đặc biệt trong trong các đặc biệt của ngành Y. Trước đây, thời tôi học BSNT có học bổng, giờ BSNT lại phải đóng học phí, tạo gánh nặng lớn cho người học.

Ở các nước, BSNT được BV trả tiền. Nếu lương bác sĩ ở Mỹ khoảng 150 ngàn USD/năm, thì lương BSNT 70-80 ngàn USD/năm. Còn ở Việt Nam, không có quy định của nhà nước, nên không có quy định các BV phải trả lương cho BSNT. Có một số BV hỗ trợ kinh phí, nhưng mức độ khác nhau, phụ thuộc vào cá nhân lãnh đạo BV.

vt-gs-van-va-thang-7040.jpg
GS. Tạ Thành Văn (phải) và Ths. Phạm Xuân Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - tham dự Ngày Việt Nam tại Nhật 2/2024 - nơi GS.Tạ Thành Văn có bài giảng quan trọng.

Do đó, khi đào tạo mở rộng cần có chế độ cho các BNST do nhà nước hoặc BV chi trả.

Thứ 2, phải có cơ sở thực hành đào tạo BSNT và cơ sở này phải đạt chuẩn, có thẩm định. Ở các nước tiên tiến, sau khi thi xong, các BSNT bốc thăm để chọn cơ sở thực hành căn cứ vào điểm thi đầu vào, có thể ở BV tuyến tỉnh hoặc tuyến TW. Cũng cần lưu ý rằng, ở các nước không có sự khác biệt nhiều về trình độ chuyên môn giữa các tuyến.

Thứ 3, tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng để giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong y tế giữa các vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và tiết kiệm nguồn lực xã hội. Các tỉnh được phép ký với cơ sở đào tạo về chỉ tiêu BSNT cho tỉnh, như Trường Đại học Y Hà Nội đã ký với Thanh Hóa, Hà Nội và các BV trong hệ thống tư nhân như Vinmec, Tâm Anh. Các BSNT tốt nghiệp buộc phải về theo đơn đặt hàng.

Việc đào tạo theo địa chỉ như vậy giúp cho các BSNT sau 9 năm đào tạo sẽ được làm việc đúng theo nguyện vọng về chuyên khoa và nơi công tác, tránh lãng phí nguồn lực của gia đình và xã hội.

Bộ Y tế đã vận dụng rất tốt việc đặt hàng trong dự án Bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa và trường coi là đối tượng chăm sóc đặc biệt. Họ được đào tạo như BSNT, chỉ 2 năm, nhưng nhiều người về địa phương làm việc độc lập rất tốt, mổ giỏi, mà nếu không học thêm thì biết đến bao giờ mới làm được!

Một điểm nhấn trong công tác đổi mới đào tạo BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội, là lựa chọn chuyên ngành căn cứ trên điểm thi đầu vào thông qua ngày khớp cung cầu "Matching Day" 9/9 hàng năm.

vt-matchingday-8301.jpg
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - GS. Tạ Thành Văn (phải) - tặng hoa người đỗ thủ khoa kỳ thi BSNT và là người đầu tiên được chọn chuyên ngành

Trước đây, dựa trên các tiêu chí của Bộ ban hành, các chuyên ngành gửi chỉ tiêu và BSNT đăng ký nguyện vọng, nên có chuyên ngành 7 năm liền không tuyển được ai, có chuyên ngành lại quá nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu lại giới hạn và bị trượt. Nhưng gần chục năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội đã thay đổi: Khi có kết quả thi BSNT, người đỗ đầu sẽ được lựa chọn chuyên ngành trước, lần lượt theo điểm số đầu vào.

Với phương pháp này, chúng tôi đã tuyển được BSNT ở tất cả các chuyên ngành, kể cả những chuyên ngành có sức thu hút không cao như truyền nhiễm, pháp y, các chuyên ngành y học cơ sở vốn trước đây rất khó tuyển. Đây là bước đột phá khi tạo cơ hội nhiều hơn cho các thí sinh, cũng như các chuyên ngành ít sức hút hoặc nhiều năm không có thí sinh ứng tuyển.

Về mặt vĩ mô, việc tuyển sinh này đã tạo nên sự cân bằng lành mạnh giữa các chuyên khoa của toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. Chúng ta luôn cần đội ngũ nhân lực y tế trình độ cao ở tất cả, gần 50 chuyên ngành khác nhau trong Y khoa,

Các nước họ có cơ sở dữ liệu quốc gia, nên biết được từng năm, mỗi chuyên ngành cần bao nhiêu nhân lực y tế làm việc ở đâu, ở trình độ nào, từ đó đưa ra chỉ tiêu đào tạo, định hướng và quản lý trong suốt quá trình hành nghề. Việt Nam hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia để có thể quản lý và điều phối nên xảy ra tình trạng thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Thêm vào đó, chỉ tiêu đào tạo hiện nay kể cả bậc đại học và sau đại học chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo chứ chưa căn cứ vào nhu cầu thực sự về nguồn nhân lực của chuyên ngành đó trong hệ thống y tế.

Vì thế, chúng tôi đề xuất Bộ Y tế đưa "Matching Day" mà Trường Đại học Y Hà Nội đã làm thành công trở thành mô hình quốc gia: Các bác sĩ tốt nghiệp 6 năm ở tất cả các cơ sở đào tạo cùng thi một đề, chọn lựa chuyên ngành từ trên xuống dưới và khớp với nhau trên toàn quốc, như thế giới đã làm.

+ Xin cám ơn giáo sư và chúc ông tiếp tục thành công trong đổi mới vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân!

Thanh Hằng (thực hiện)

GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, rồi học BSNT. Ông đã tốt nghiệp xuất sắc khoá đào tạo BSNT chuyên ngành Hoá sinh.

Sau đó, ông tốt nghiệp Tiến sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ Kyoto (Nhật) và hoàn thành khoá Sau Tiến sĩ tại Trường Đại học Delaware (Hoa Kỳ).

Năm 2003, ông hoàn tất chương trình Sau tiến sĩ (lần 2) tại Khoa Y, Trường Đại học Kyoto, ở Lab của GS. Tasuku Honjo – chủ nhân Giải thưởng Nobel Y học 2018. GS. Tạ Thành Văn vinh dự là học trò Việt Nam đầu tiên và xuất sắc của GS. Tasuku Honjo.

GS. Tạ Thành Văn được bổ nhiệm chức danh Giáo sư năm 2012 và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2017 - là Giáo sư và Nhà giáo Nhân dân trẻ nhất khi được phong.

GS. Tạ Thành Văn từng đảm nhận các vị trí: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế).

Tháng 11/2018, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thứ 15 Trường Đại học Y Hà Nội.

Tháng 10/2020, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội.

Tháng 2/2020, GS. Tạ Thành Văn được Nhật Bản trao Bằng Giáo sư danh dự vì những đóng góp quan trọng cho khoa học và giáo dục.

vt-trao-bang-74-7028.jpg
GS. Yamazaki - Hiệu trưởng Đại học Kanazawa – trao bằng Giáo sư danh dự cho GS. Tạ Thành Văn

Trong cuốn hồi ký của mình, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam 2017-2020 viết: GS. Tạ Thành Văn là đại diện cho hiệu quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật.

Hơn 30 năm nghiên cứu khoa học, GS. Tạ Thành Văn đã có khoảng 300 công bố quốc tế cùng nhiều công trình nghiên cứu về y học được ứng dụng vào thực tế. Ông cũng là chủ biên nhiều đầu sách chuyên khảo và giáo trình trong lĩnh vực Hoá sinh, Sinh học phân tử và tế bào.