LTS: Sau khi bài viết “Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ hơn 30 năm trước” được đăng tải, VietTimes đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc từ mọi miền của tổ quốc. Nhiều bạn đọc ngạc nhiên vì sự phát triển của ngành KHCN Việt Nam những năm 1986- 1988; đồng thời có ý kiến cũng băn khoăn: vì sao những kỹ sư tài năng thời bấy giờ lại sớm "gục ngã" trước cơn hỏa hoạn tai nghiệt đã làm cháy rụi toàn bộ những gì mà họ đã chế tạo ra và tại sao sau đó họ đã không gượng dậy được.
GS. Chu Hảo đã lý giải với VietTimes về vấn đề này
Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước!
Thưa ông, về dự án nghiên cứu sản xuất “Máy tính Bác Tô” từ những năm 1986 – 1988 của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, chắc hẳn ông còn nhớ những ngày tháng ấy?
- Tất nhiên, tôi còn nhớ như in. Hồi đó, tôi là Bí thư Đảng ủy của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (Viện NCCNQG) - Nacentech, và là Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử (đơn vị thành viên). Viện Vi điện tử có một số phòng chuyên môn, trong đó Phòng Ứng dụng vi tin học mà anh Hà Thế Minh (sau này là Cố Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC – PV) là Trưởng phòng.
Phòng Ứng dụng vi tin học thời đó khoảng 10 người, trong đó quy tụ được một số anh học ở Hungary về, gồm anh Hà Thế Minh, anh Hoàng Ngọc Hùng, anh Nguyễn Trung Chính, anh Trần Hải Âu,… Viện CNCNQG hoạt động theo chế độ mật của Nhà nước, mang con dấu hành chính cấp bộ, với mục tiêu là đưa các công nghệ mới vào Việt Nam để phát triển, sản xuất.
Vi điện tử hay vi tính là công nghệ còn rất mới thời bấy giờ và dưới thời kì Việt Nam đang bị cấm vận, việc tìm mọi cách du nhập công nghệ để phát triển trở thành nhu cầu cấp bách. Cũng vì là thời kì cấm vận, nên Viện Công nghệ Vi điện tử làm theo cách nhờ một số anh em Việt kiều ở Mỹ xách tay những máy tính thế hệ mới về để nghiên cứu.
Trong một buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, GS. Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện NCCNQG có nhận chủ trương phát triển, sản xuất máy tính tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước với giá rẻ và trước hết phục vụ cho ngành giáo dục.
Đề án nhận được một khoản kinh phí ngoại tệ để mua một dây chuyền lắp ráp bo mạch máy vi tính, đặt trên tầng 2 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cơ sở đi thuê của Viện giai đoạn đó. Dây chuyền này là để chuẩn bị đón kết quả nghiên cứu của Phòng Công nghệ vi tin học. Chúng tôi dự định lắp ráp bo mạch máy tính tại chỗ, rồi mua thêm một số linh kiện khác nữa, lắp ráp để có 1 chiếc máy tính hoàn thiện. Tuy có nhiều linh kiện mua ngoài, nhưng trong cái máy tính thì linh hồn của nó chính là bo mạch – sản phẩm do Viện tự thiết kế và lắp ráp. Toàn bộ phần “sụn” (Firm ware) đều do phòng Ứng dụng Vi tin học của Viện Vi điện tử viết.
Ở thời điểm hơn 30 năm trước, được đầu tư như vậy để thực hiện những công việc về nghiên cứu cũng đã là “hoành tráng” lắm.
Lúc nhận được tin báo cháy, ông đang làm gì? Vụ cháy diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Thời đó, cùng tại cơ sở đi thuê của Viện, còn có một số phòng được sử dụng làm nơi để dụng cụ phông màn của một nhà hát nào đó.
Vụ cháy ấy xảy ra vào ban đêm. Sáng sớm ra tôi mới nhận được tin báo và chạy đến hiện trường, thì thấy xe cứu hỏa hẵng còn đang ở đấy, lính cứu hỏa mới vừa dập cháy xong. Lúc đó mới khoảng 5 – 6 giờ sáng.
Tôi đến nơi thì mọi thứ đã tan hoang hết. Tất cả. Tôi bàng hoàng và đau xót đến não lòng… Toàn bộ tài sản của Viện công nghệ vi điện tử, gồm mấy phòng nghiên cứu. Nhưng có lẽ tổn thất nhất chính là phòng Ứng dụng vi tin học, nơi đang tập trung các thiết bị để nghiên cứu, sản xuất máy tính.
Lại nói về đám cháy, nó cháy tai hại lắm!
Viện có một phòng là nơi để chồng chất các linh kiện để sản xuất hàng trăm cái máy tính, gồm những bo mạch, linh kiện, những tấm để làm các bo mạch. Thời đó, chúng tôi có chế độ trực ở cơ quan, nên đêm, các cán bộ của phòng có lịch phân công luân phiên nhau trực.
Đêm hôm ấy, như thường lệ, có một cán bộ viện ở lại trực. Nhưng lúc xảy ra cháy, ở ngoài người ta hô hoán lên thì anh ấy cũng mới biết.
Tệ hại ở chỗ, những xe cứu hỏa đầu tiên đến không có nước mà phải chờ đến mấy cái sau mới có nước. Diện tích bị cháy không lớn lắm, vì cũng chỉ có một vài phòng trên tầng 2. Trước nay người ta cứ nghĩ cháy gỗ thì mới ghê, nhưng té ra không phải, lửa khi bén vào sơn, nhựa ở bản mạch các máy tính mới thật sự ghê gớm, đến mức sàn gạch của mấy phòng ấy mủn ra.
Mãi sau này tôi mới biết, thực ra, mật độ vật liệu dễ cháy để ở các phòng ấy quá cao, nên sức nóng của đám cháy thật là ghê gớm.
Ông có được biết về nguyên nhân của vụ cháy không? Nhiều ý kiến nghi ngại rằng vụ cháy có yếu tố phá hoại từ bên ngoài, thưa ông?
- Lúc bấy giờ, sau vụ cháy, cơ quan chức năng đến điều tra rất kĩ, họ xác minh xem đây là hành vi phá hoại hay không; là do sơ xuất kỹ sư hút thuốc lá hay thắp đèn hay cháy vì lý do nào khác. Để xác định được nguyên nhân của vụ cháy, người ta phải mất tới hàng tháng giời. Sau này, nguyên nhân cháy được kết luận là do mô-tơ của máy biến áp công suất lớn bị kẹt, om nhiệt và phát sinh nhiệt, gây cháy tại chỗ.
Các yếu tố phá hoại hoàn toàn bị loại trừ. Vậy là một băn khoăn lớn đã được giải tỏa.
Sau vụ cháy, là Viện trưởng Viện Công nghệ vi điện tử, trực tiếp lãnh đạo phòng Ứng dụng vi tin học, ông bị truy cứu trách nhiệm như thế nào?
- Tôi suýt bị đi tù (Cười).
Nếu không loại trừ được yếu tố phá hoại, không chứng minh được việc thực hiện chặt chẽ các quy chế về an ninh, an toàn lao động và bị kết tội là vô trách nhiệm thì tôi không thể đổ lỗi cho ai khác. Và chuyện đi tù là trong tầm tay. Gây thiệt hại hàng trăm ngàn USD vào thời đó không phải là chuyện vừa.
Hôm ra hiện trường, mình tôi trả lời hết tất cả những câu hỏi của công an. Vụ cháy là việc vô cùng trầm trọng, bởi nó xảy ra ở phòng nghiên cứu cao cấp của một viện cấp quốc gia.
Nhưng tại sao thời đó ông và các anh em kỹ sư không “làm lại từ đầu”, thưa ông?
- Thời đó tôi không thể vực lại được! Không thể vực lại được tinh thần làm khoa học nghiêm túc, vô tư, không vụ lợi. Bởi anh em đã “mất tinh thần” và quá trình “thương mại hóa” mọi thứ đã bắt đầu.
Thời điểm đó, lãnh đạo còn yêu cầu tôi trong 2 năm phải làm được giá trị tài sản tương đương với tài sản đã mất đi trong đám cháy, tương đương giá trị đầu tư cho Phòng vi tin học, vào khoảng 50.000 – 70.000 USD. Để không bị truy cứu, bị mắc tội, tôi đã phải đi buôn máy tính, buôn điều hòa nhiệt độ, buôn đủ thứ, đến khi đủ số tiền này thì tôi được xóa tội.
Hơn 30 năm đã trôi qua, điều không may năm xưa giờ đã trở thành một kỉ niệm đậm nét trong ông. Nhìn lại quãng thời gian ấy, ông có điều gì còn băn khoăn, luyến tiếc?
- Cho đến bây giờ, tôi vẫn chỉ tiếc một sự nghiệp, một đề án rất tốt, rất có tương lai. Thứ hai, tôi tiếc đội ngũ kỹ thuật rất giỏi, giàu đam mê, nhiệt huyết, tiếc một cơ hội cho không những anh em kỹ thuật của Viện mà cơ hội để phát triển của khoa học công nghệ Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940 tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1960 ông sang Liên Xô, học trường Đại học Bách Khoa Kiev. Ông có một thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Nga. Khi về nước ông là một trong những cán bộ đầu tiên xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1976-1979, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1979, ông sang Pháp tu nghiệp và được đề nghị ở lại làm luận án tiến sĩ quốc gia Pháp và ông ở lại đến năm 1985. Ông được phong Phó Giáo sư năm 1983. Năm 1985, ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử (trực thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia).
Năm 1995, ông làm Chánh văn phòng Chương trình quốc gia phát triển CNTT. Đầu năm 1996, ông được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; giám đốc dự án Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc. Năm 2005, ông xin nghỉ hưu trước thời hạn. Từ đó đến nay, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, với hy vọng mang lại cho người Việt một tủ sách tri thức của tinh hoa thế giới. Từ năm 1996 đến nay, ông là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt- Pháp. Năm 2005, ông được trao tặng Huân chương Quốc công của Pháp.