Trước hết, xin ông cho biết một số ưu điểm và nhược điểm của phương pháp thi trắc nghiệm?
Ưu điểm mà ai cũng thấy của việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm là chấm thi rất nhanh vì hoàn toàn do máy tính thực hiện. Việc này giúp cho công tác thi cử tiết kiệm được chi phí chấm thi so với tự luận. Tuy nhiên, vấn đề là công tác ra đề thi có đáp ứng các yêu cầu hay không.
Khác với thi tự luận, điểm mấu chốt của thi trắc nghiệm nằm ở khâu ra đề, vì mọi khâu sau đó đều được thực hiện bằng máy, con người không can thiệp được. Bản chất toán học của phương pháp trắc nghiệm là đánh giá dựa trên nguyên lý thống kê. Khi đánh giá bài thi trắc nghiệm luôn phải tính đến yếu tố “may rủi”. Vì thế đề thi thường phải dài, các câu hỏi tương đối đơn giản, yêu cầu tính toán ít, đồng thời hạn chế khuynh hướng đoán mò hoặc trả lời kiểu loại trừ của thí sinh. Điểm đặc biệt quan trọng là đề thi phải phù hợp với năng lực của thí sinh để đảm bảo độ phân loại cao.
Việc ra đề thi trắc nghiệm là cực kỳ khó vì cần hai bước căn bản: ra đề và đánh giá chất lượng đề. Ngân hàng đề thi phải đủ nhiều, đủ đa dạng để thí sinh không học tủ được. Việc đánh giá chất lượng của các đề cũng cần dùng phương pháp thống kê chứ không dùng chuyên gia để đánh giá, đặc biệt là với những kỳ thi trên diện rộng, như kỳ thi tốt nghiệp THPT của nước ta, nơi mà phổ năng lực của học sinh rất rộng. Vì thực tế có rất nhiều bài tập thày giáo cho là dễ nhưng lại rất khó với học sinh, hoặc do nội dung giảng dạy mà ở vùng này thì khó với học sinh nhưng ở vùng khác lại dễ, v.v...
Thi tự luận tuy có tốn kém hơn về chi phí và nhân lực cho công tác chấm thi nhưng có ưu điểm rất lớn là đánh giá được đúng năng lực của thí sinh, thể hiện ở cách họ trình bày lời giải của bài toán chứ không phải chỉ ở đáp số. Ngay cả ở các nước phát triển như Pháp, Đức thì việc thi tốt nghiệp vẫn được tổ chức theo hình thức tự luận. Thực tế, việc Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm được thuyết phục bởi mô hình thi trắc nghiệm ở Mỹ. Nhưng ở nước này thì hình thức thi trắc nghiệm đã có lịch sử rất nhiều năm cùng việc ra đề được tổ chức rất công phu.
Hình thức thi trắc nghiệm chỉ tiện chấm do thực hiện bằng máy tính nhưng không đánh giá đúng năng lực của thí sinh
|
Ông nghĩ thế nào về việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng làm một mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng hai năm nay?
Việc gộp hai kỳ thi làm một theo nhiều ý kiến là để tiết kiệm chi phí cho nhà nước và xã hội trong thi cử. Tuy nhiên, mục đích của thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh là hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp là cho ra lò với số lượng không đạt rất ít và thậm chí phải đỗ đến gần 100%. Tôi không nghĩ một kỳ thi với tỷ lệ đỗ cao như vậy là thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên Luật Giáo dục vẫn đang quy định có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo tôi, chúng ta cần thảo luận về việc có cần hay không kỳ thi này.
Trong khi đó, thi tuyển sinh là tuyển chọn đầu vào cho các đại học, cao đẳng và chắc chắn là chỉ có một tỷ lệ nhất định là có thể đỗ được mà thôi. Thực tế nước ta có mô hình giáo dục khác với đa số các nước tiên tiến trên thế giới. Ở đa số các nước, việc được nhận vào đại học không quá khó nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trên số sinh viên nhập học năm thứ nhất, không bao giờ quá 50%. Ở nước ta về cơ bản 100% số sinh viên nhập học sẽ tốt nghiệp. Vì thế vai trò của kỳ thi tuyển sinh cực kỳ quan trọng.
Trước thời điểm năm 2016, kỳ thi tuyển sinh Đại học và Cao đẳng là kỳ thi một trong số ít ỏi các kỳ thi nghiêm túc ở Việt Nam, từ khâu ra đề cho tới coi thi, chấm thi, mặc dù việc tổ chức kỳ thi này hết sức vất vả đối với Bộ GD-ĐT cũng như các trường. Việc thay đổi mô hình thi, nhập hai kỳ thi và chuyển hoàn toàn sang trắc nghiệm (ngoại trừ môn Văn) có thể tiết kiệm được chi phí cho Nhà nước và người dân liên quan tới kỳ thi. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: với một kỳ thì hết sức quan trọng như vậy có nhất thiết phải hy sinh chất lượng vì chi phí hay không?
Tuy nhiên, việc tổ chức riêng các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh thì ngoài sự tốn kém cho công tác tổ chức của ngành giáo dục và các đại học, cao đẳng cùng bản thân thí sinh thì còn hình thành một thị trường luyện thi và học sinh muốn thi vào đại học, cao đẳng sẽ phải tốn nhiều chi phí cho việc học thêm. Ông nghĩ gì về thực tế này?
Theo tôi thì học thêm và dạy thêm là điều không thể tránh khỏi trong thực tế Việt Nam khi mà kỳ thi tuyển sinh là hết sức quan trọng đối với tương lại mỗi học sinh THPT. Tôi phản đối việc cấm dạy thêm và học thêm. Vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc này là kiểm định chất lượng và thu thuế. Thu nhập từ việc dạy thêm không hề nhỏ nhưng có lẽ nhà nước hoàn toàn không thu được thuế từ hoạt động này. Thử hình dung nếu mỗi học sinh lớp 12 phải bỏ ra một triệu đồng để luyện thi mỗi tháng thì với một triệu học sinh, số tiền học thêm lên tới một ngàn tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại đối với tôi là các thầy cô và và các em học sinh dạy gì, học gì để đối phó với kỳ thi trắc nghiệm này. Tôi chỉ giới hạn thảo luận trong môn toán. Từ hai năm qua, đặc biệt là để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2018, đã nở rộ việc luyện các mẹo mực thi trắc nghiệm. Hầu hết các mẹo đó không liên quan tới toán, cụ thể là phương pháp tư duy toán học, mà xoay quanh việc làm thế nào để chọn được đáp số đúng từ 4 lựa chọn của mỗi câu hỏi. Máy tính cầm tay được sử dụng tràn lan, học sinh trở thành những chuyên gia bấm máy tính siêu đẳng nhưng gần như không thực hiện được hoạt động toán học nào khi rời chiếc máy tính ra, thậm chí cả thực hiện những phép tính nhẩm đơn giản, chưa nói tới những kỹ năng cao như tính đạo hàm, tích phân… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đầu vào ở các trường đại học. Mặc dù đạt điểm thi rất cao đa số các học sinh không thực hiện được những yêu cầu căn bản của môn học. Tình hình theo tôi đã tới mức nghiêm trọng. Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên thực hiện ngay lập tức việc khảo sát chất lượng đầu vào tại các trường đại học, kiểm ra công tác ra đề và tổ chức thi cử trong hai năm qua. Việc kiểm tra cần có sự tham gia của các chuyên gia độc lập vì tôi sợ rằng Bộ GD-ĐT khó lòng tự tìm được sai lầm của mình.
Xin cảm ơn ông!