“Mục tiêu của giáo dục không phải sản xuất ra hàng loạt con robot toàn diện như nhau mà là khơi dậy năng lực tiềm tàng ở mỗi cá nhân để mỗi người trở thành chính mình, mỗi người đều “là một, là riêng, là thứ nhất”- GS TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội nhận định trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes.
Cần thay đổi nền giáo dục “đồng phục”
Thưa Giáo sư, sau mấy chục năm cải cách, đổi mới giáo dục, cho đến nay, ngành giáo dục vẫn bị đánh giá là còn rất nhiều bất cập. Chẳng nhẽ sau chừng ấy năm cải cách, giáo dục nước nhà không có thành tựu nào sao?
- Tính từ năm 1945, giáo dục nước ta đã 3 lần cải cách và một lần đổi mới. Những lần cải cách, đổi mới này đều có lý do, mục tiêu và thành tựu. Từ một nền giáo dục của người Pháp, tuy tiên tiến, nhưng gắn với chế độ thực dân, giáo dục đã được thay đổi để trở thành một nền giáo dục kiểu mới. Riêng việc chúng ta dạy từ tiểu học đến sau đại học hoàn toàn bằng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp đã là một kỳ tích mà trước Cách mạng Tháng Tám nhiều người không thể hình dung được.
Tuy nhiên, giáo dục vẫn tồn tại một số nhược điểm lớn. Một là, những lần cải cách, đổi mới giáo dục nói trên đều chỉ chú trọng đến giáo dục phổ thông mà chưa quan tâm đầy đủ đến giáo dục đại học và nghề nghiệp trong khi giáo dục đại học và nghề nghiệp mới là “mặt trận” chính quyết định nguồn nhân lực. Đây là nhược điểm có tính chất đường lối.
Điều thứ hai tôi muốn nói đến là mục tiêu giáo dục. Từ trước đến nay, chúng ta đều xác định mục tiêu giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Điều đó không sai, nhưng phiến diện, vì nó thiếu mục tiêu giáo dục cá nhân. Giáo dục cá nhân là yếu tố vô cùng quan trọng. Mỗi người sinh ra khác nhau, giáo dục phải khơi dậy tiềm năng ở mỗi con người; phát triển và hoàn thiện mỗi cá thể; nhiều cá thể tốt sẽ tạo thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ xã hội.
Ba là về triết lý giáo dục. Chúng ta đã có những triết lý rất sâu sắc như: “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”,... Nền giáo dục của ta hàng chục năm qua đã được dẫn dắt bởi những triết lý đó. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, chúng ta cần bổ sung điều gì đó mới hơn, lớn hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển con người và đất nước Việt Nam trong thời đại mới.
Theo như Giáo sư vừa nói thì có nghĩa là mục tiêu giáo dục cần được đổi mới. Vậy, đổi mới cụ thể như thế nào?
- Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực chung chung mà không chú ý phát triển sở trường cá nhân, năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách cá nhân,... thì có nghĩa là chúng ta đang thực hiện nền giáo dục “đồng phục” và đất nước sẽ khó phát triển. Nói một cách cực đoan cho dễ hình dung, nếu chúng ta đòi Ngô Bảo Châu phải làm thơ hay như Trần Đăng Khoa, và ngược lại Trần Đăng Khoa cũng phải đoạt giải Fields về toán học như Ngô Bảo Châu thì đó là một nền giáo dục méo mó và chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình. Mục tiêu của giáo dục không phải sản xuất ra hàng loạt con robot toàn diện như nhau mà là khơi dậy năng lực tiềm tàng ở mỗi cá nhân để mỗi người trở thành chính mình, mỗi người đều “là một, là riêng, là thứ nhất” (mượn ý thơ Xuân Diệu), và từ những cá nhân xuất sắc đó mới xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phát triển xã hội. Đó là một mục tiêu kép, mà nền tảng là giáo dục cá nhân.
Để chuyển từ nền giáo dục “đồng phục” sang nền giáo dục hướng tới phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách cá nhân, như Giáo sư nói, thì cách dạy, cách học không thể theo kiểu như hiện nay được. Nhưng phải dạy và học như thế nào, thưa Giáo sư?
- Trước tiên phải coi trọng thực học. Xét từ mục tiêu phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách cá nhân, điều đó có nghĩa là cần dạy những nội dung gắn với thực tế, chứ đừng dạy những điều quá hàn lâm. Đơn cử như môn Ngữ văn, ở bậc học phổ thông, ta không nên đặt vấn đề giảng dạy khoa học ngữ văn cho học sinh mà chỉ cần giáo dục ngữ văn, tức là dạy sao cho học sinh có thể sử dụng tốt tiếng Việt, cảm thụ được cái hay cái đẹp trong tiếng Việt và trong tác phẩm văn học, từ đó hình thành, phát triển những tình cảm nhân văn và năng lực thấm mĩ.
Còn giáo dục khoa học ngữ văn là việc của chương trình đại học ngữ văn. Dạy Lịch sử, Kinh tế, Pháp luật v.v… cũng như vậy. Xét từ mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực phát triển đất nước, thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế - kĩ thuật có tính ứng dụng cao. Nước ta còn nghèo, lại là nước đi sau và muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước thì không thể phát triển dàn trải.
Trong vòng 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài.
Thứ hai, giáo dục phải dân chủ. Xét từ mục tiêu phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách cá nhân thì dân chủ thể hiện ở sự khai phóng, tức là cởi mở về tư tưởng, học thuật, tạo điều kiện cho người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Có khai phóng thì giáo dục và xã hội mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm. Xét từ mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực phát triển đất nước thì dân chủ có nghĩa là phải đảm bảo để xã hội tham gia phát triển giáo dục, giám sát giáo dục và hưởng thụ thành quả của giáo dục.
Lâu nay, chúng ta mới chỉ làm được việc huy động lực lượng xã hội phát triển giáo dục thông qua hai hình thức đóng góp học phí và đầu tư mở trường. Việc xã hội giám sát giáo dục chưa bài bản, chủ yếu là theo từng vụ việc cụ thể, nhiều khi nói theo số đông, hời hợt, thiếu chiều sâu. Còn việc xã hội hưởng thụ thành quả giáo dục có liên quan đến xã hội học tập. Nói thật lòng, xã hội học tập mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội học tập “méo mó”. Người ta đi học tại chức chẳng qua là học bớt xén chương trình, cốt để lấy cái bằng, để thăng quan tiến chức, khác hẳn ở nước ngoài, họ thấy cần bổ sung kiến thức gì thì họ học cái đó.
Có nên “bê” mô hình giáo dục nước ngoài về Việt Nam?
Thực tình thì trong thời gian gần đây ngành giáo dục rất chịu khó lắng nghe dư luận. Có những quyết định được đưa ra, bị dư luận phản đối, lập tức thay đổi ngay. Thậm chí có lúc làm cho người ta có cảm giác ngành giáo dục đang lâm vào cảnh “đẽo cày giữa đường”. Giáo sư có cảm thấy như vậy không?
- Thực tình thì nền giáo dục có những hạn chế như hiện nay, lỗi không chỉ tại bản thân ngành giáo dục. Những hạn chế, yếu kém phổ biến và kéo dài nếu nguyên nhân không ở đường lối thì cũng ở khâu thực hiện đường lối. Về đường lối, tôi đã nói đến mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục. Còn về việc thực hiện đường lối, ta vẫn có câu cửa miệng “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng sự quan tâm của các cấp ủy, cấp chính quyền hầu như rất ít.
Giả sử một cấp ủy cứ mươi mười lăm năm ra một nghị quyết về giáo dục, đôn giáo dục lên rất cao bằng những từ ngữ có cánh nhất rồi mặc kệ cho ngành giáo dục tự xoay sở thì đó không phải cách đối xử với quốc sách hàng đầu. Mỗi cấp ủy, chính quyền cứ tự kiểm điểm xem một năm cấp cho giáo dục bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất làm trường, bằng bao nhiêu phần trăm so với tiền, đất cấp cho doanh nghiệp, sân golf v.v… thì biết giáo dục được quan tâm đến đâu. Nếu coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu thì ít nhất là hằng tuần hoặc hằng tháng, các cấp ủy, chính quyền phải để mắt đến giáo dục, phải bàn bạc các vấn đề của giáo dục, để chỉ đạo, gỡ rối thì giáo dục mới phát triển được.
Về nguyên nhân chủ quan thì bản thân ngành giáo dục cũng còn nhiều bất cập. “Thay quan, đổi tướng” nhiều quá. Có “tướng” về chỉ vài năm mà đẻ ra đến hàng trăm trường đại học, cao đẳng, hậu quả đến bây giờ mới phát tác. Hiện nay, ngành giáo dục có cái tốt là rất chịu khó lắng nghe dư luận để sửa chữa. Tuy nhiên, khi tiến hành sửa chữa, điều chỉnh, lại chưa nghiên cứu thấu đáo, chưa lường hết những khó khăn, phức tạp xảy ra, nên nhiều khi kết quả đem lại không được như ý muốn, thậm chí là mang lại kết quả xấu hơn.
Ví dụ như, khi thấy ở một số nước người ta không chấm điểm học sinh nên học sinh học thoải mái, ta mang về áp dụng ngay vào cấp tiểu học, thế nên sinh ra rất nhiều chuyện. Nào là chuyện “sáng kiến” khắc dấu mặt cười, mặt mếu; nào là chuyện khen thưởng tràn lan theo kiểu phổ cập danh hiệu thi đua của người lớn hiện nay. Nhưng lo nhất là chuyện học sinh không chịu học. Tôi chỉ sợ mươi năm nữa, hậu quả của sáng kiến này mới phát tác; lúc ấy lại trách nhau chất lượng học sinh đi xuống, rồi lại đổi mới bằng cách quay về chấm điểm như xưa.
Như ông đề cập ở trên, mặc dù đã 3 lần cải cách, một lần đổi mới, nhưng giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Vậy tại sao chúng ta không chọn một một mô hình giáo dục tiến tiến của nước ngoài đưa vào Việt Nam như Hàn Quốc từng làm là “bê” mô hình Nhật Bản về áp dụng và thành công?
- Tôi làm giáo dục đã lâu và tôi cũng có ý nghĩ như thế. Nhiều nhà giáo dục không bằng lòng với quan điểm này, các thầy cho rằng nó không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, nhưng tôi thấy mình mượn (hoặc mua) các chương trình đào tạo nước ngoài để dạy cũng không ảnh hưởng gì.
Tôi nghĩ với các môn học tự nhiên và ngoại ngữ thì tốt nhất mình dùng chương trình nước ngoài, kể cả bậc đại học mình đào tạo theo được nước ngoài đi đã. Mình lấy kinh nghiệm đã thành công của các nước mà áp dụng, như thế sẽ tốt hơn. Chỉ có các môn khoa học xã hội và nhân văn như Lịch sử, Địa lý, Tiếng Việt, văn học Việt Nam thì tự mình phải biên soạn trên cơ sở tham khảo chương trình của nước ngoài, vì không ai làm thay mình được.
Nhà nước chỉ làm việc xã hội không làm
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ôm đồm quá nhiều việc, cái cần thả thì không thả, cái cần siết lại không siết. Giáo sư nhận xét thế nào về vấn đề này?
- Tôi thấy khâu điều hành của chúng ta có vấn đề. Trước đây, Bộ GD&ĐT quản chặt lắm, ví dụ: Bộ duyệt chỉ tiêu từng lớp tại chức, trường không được in bằng mà phải lên Bộ mua phôi bằng, thậm chí có thời gian Bộ còn cử người về coi thi sau đại học với trường,... Bây giờ, Bộ đã “thả” cho các trường chủ động nhiều rồi, nhưng chất lượng cũng có vì thế mà thụt lùi so với thời Bộ quản chặt đâu!
Tôi cho rằng nên để các trường có quyền tự chủ rộng rãi hơn, nhất là ở đầu vào. Đầu ra thì phải “siết”, nhưng không phải “siết” bằng cơ chế xin - cho, mà bằng trình độ chuẩn, bằng kiểm định chất lượng. Ở Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người vào đại học thì có bấy nhiêu người tốt nghiệp. Nếu không sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo thì không thể nào đảm bảo nhân lực đào tạo ra có chất lượng được. Về kiểm định chất lượng, các trường có quyền tự quyết, Bộ không cần can thiệp. Nhưng hằng năm phải công bố kết quả kiểm định chất lượng của các trường: Trường nào có kiểm định chất lượng, trường nào không; nếu kiểm định chất lượng thì do tổ chức nào kiểm định; kiểm định năm nào; kết quả kiểm định cụ thể ra sao v.v… Có những thông tin này, học sinh sẽ có cơ sở để chọn trường, các đơn vị sử dụng lao động cũng có cơ sở để tuyển người. Chỉ cần làm như vậy khoảng mươi năm thì chất lượng đào tạo sẽ khác.
Về xã hội hóa giáo dục, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích các trường tư hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, tức là hoạt động không theo mô hình doanh nghiệp, không có đại hội cổ đông, và trong đội đồng quản trị, tiếng nói quyết định không phải là của người góp tiền nhiều. Giáo dục mà chạy theo tiền thì khó có thể mong đợi điều gì tốt đẹp.
Còn vai trò điều tiết của Nhà nước sẽ thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
- Sự điều tiết của Nhà nước hiện nay còn mang nặng tính bao cấp, cào bằng. Theo tôi, lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào hấp dẫn nhà đầu tư, hấp dẫn người học thì nên để xã hội lo là chính; Nhà nước chỉ tập trung lo cho những lĩnh vực, những ngành xã hội cần mà nhà đầu tư và người học ít quan tâm (ví dụ, bậc học mầm non; các ngành sư phạm, thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi,...), và lo cho những địa phương có nhiều khó khăn. Đối với những ngành xã hội cần mà nhà đầu tư không thích, người học không nhiều thì Nhà nước cần bỏ tiền ra để đầu tư phát triển; khuyến khích người học bằng học bổng hoặc chỉ đơn giản là bằng sự đảm bảo bố trí công việc khi ra trường. Chỉ cần Nhà nước cam kết người học ra trường sẽ có việc làm (mà không phải chi vài trăm triệu để chạy việc), tôi đảm bảo những người giỏi nhất sẽ vào những ngành ấy.
Đối với các địa phương, hầu như rất ít nhà đầu tư chịu đầu tư cho miền núi, vùng sâu vùng xa. Vậy thì nhà nước phải đầu tư. Còn ở những địa phương phát triển như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh là nơi rất dễ mở trường thì nên tạo cơ chế để xã hội hoá.
Một điều nữa cần đổi mới trong công tác quản lý, điều tiết của Nhà nước là Nhà nước phải làm đúng việc của mình, đừng có làm thay cơ sở. Nhiệm vụ của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước là làm chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, chứ nếu quanh năm suốt tháng bàn việc cơ cấu, đầu ra đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thì lợi đâu chưa biết, có khi còn cản trở doanh nghiệp.
Bộ GD&ĐT cũng nên sớm trao quyền tự chủ cho các sở, các trường; đừng lo cả việc thi tuyển vào lớp 1, lớp 6, thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh đại học, vì đó là việc của các sở, các trường. QH cũng nên rút kinh nghiệm, đừng làm thay việc của Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông.
Lắm lúc tôi cứ “lẩn mẩn” so sánh, một nước lớn như nước Mỹ, số cơ quan cấp bộ cũng tương đương nước mình, lãnh đạo chỉ có Tổng thống và một Phó Tổng thống, mà lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành lúc nào cũng phải lo tái cơ cấu, đầu vào, đầu ra như nước mình thì liệu họ có phát triển được không? Rõ ràng là mỗi cơ quan, mỗi chức danh làm đúng việc của mình thì guồng máy mới chạy nhịp nhàng, đất nước mới phát triển nhanh và biên chế nhân lực mới tinh giản được.
Xin cảm ơn Giáo sư!