Gorbachev định ký hiệp ước hoà bình với Nhật Bản với giá bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đường lối đối ngoại của Liên Xô thời Mikhail Gorbachev được ghi nhận không chỉ bằng việc khắc phục logic đối vị lưỡng cực trong quan hệ với phương Tây, mà còn bằng việc phát triển quan hệ với các nước châu Á.
Tổng Bí thư cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Tổng Bí thư cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tổng Bí thư cuối cùng của Liên Xô đã có thể đi vào lịch sử là người đứng đầu quyết định vấn đề chủ yếu trong quan hệ Xô – Nhật (còn bây giờ là Nga – Nhật) – chính là vấn đề thuộc tính của các đảo Nam Kuril, hay là “lãnh thổ phía Bắc” như người ta gọi chúng ở Nhật Bản.

Những tín hiệu của bước ngoặt tốt hơn

Trong tháng 7/1986, M. Gorbachev, sau 1 năm giữ chức Tổng Bí thư BCH TW ĐCS Liên Xô, đã đến Vladivostok. Ở đó ông có bài phát biểu nói về các hướng ưu tiên trong chính sách của người đứng đầu mới của Liên Xô ở châu Á. Ông đã nói về quan hệ với Nhật Bản như sau: “Ở đây cũng nổi lên những dấu hiệu của bước chuyển biến sang những điều tốt đẹp hơn. Thật tốt nếu như bước ngoặt này diễn ra”.

Vào thời kỳ đó, ban lãnh đạo Liên Xô quan tâm đến việc thu hút sự giúp đỡ kinh tế của Nhật Bản, có ý định chú ý đặc biệt đến việc phát triển hợp tác kinh tế với đất nước Mặt trời mọc. Vào lúc này họ cũng nhớ rằng không thể bình thường hoá các mối quan hệ với Nhật bản nếu chưa giải quyết được vấn đề thuộc tính của 4 hòn đảo Nam Kuril – Cunashira, Iturupa, Habomai và Shicotana. Tuy nhiên, Liên Xô chưa sẵn sàng cho việc thảo luận vấn đề này. Tháng 1/1986 Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Eduard Shevardnadze đến Tokyo, ông tuyên bố rằng Liên Xô coi vấn đề lãnh thổ được giải quyết “trên cơ sở phù hợp lịch sử và luật pháp quốc tế”.

Quan điểm chờ thời

Phía Nhật Bản giữ quan điểm chờ thời, hy vọng vào sự thay đổi chính sách của ban lãnh đạo Liên Xô trên tinh thần “tư duy chính trị mới”, cũng như hy vọng vào việc tình hinh kinh tế trong nước xấu đi, ban lãnh đạo Liên Xô sẽ sẵn sàng nhượng bộ.

Chiến thuật của họ có được kết quả nhất định. Vào giai đoạn “cải tổ”, các cuộc tiếp xúc song phương Xô – Nhật gia tăng, vấn đề lãnh thổ đã bắt đầu có mặt trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức. Nhưng, ban lãnh đạo Liên Xô đã thực sự sẵn sàng từ bỏ Nam Kuril để đổi lấy sự giúp đỡ kinh tế của Nhật Bản hay chưa?

Như nhà sử học A.A Coshkin chỉ ra trong cuốn “Mặt trận Nhật Bản của nguyên soái Stalin. Sự kiện. Văn kiện”, Eduard Shevardnadze sau đó đã thừa nhận rằng “đã muốn chuyển các đảo cho Nhật Bản”. Ngoài điều đó, chính tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã khuyên người đứng đầu Liên Xô nhượng bộ Tokyo trong vấn đề lãnh thổ để đổi lấy sự giúp đỡ kinh tế.

Quần đảo Kuril đáng giá bao nhiêu?

Doanh nhân Xô Viết và đại biểu Xô Viết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa liên bang Xô viết Nga (RSFSR) Artiom Tarasov lần đầu tiên tuyên bố công khai việc Mikhail Gorbachev sẵn sàng bán các đảo cho Nhật. Vào đầu năm 1991 ông đã cáo buộc người đứng đầu Liên Xô định từ bỏ 4 hòn đảo Nam Kuril đổi lấy 200 tỉ USD.

Vị trí quần đảo Kuril.

Vị trí quần đảo Kuril.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Liên Xô tới Nhật Bản được ấn định vào tháng 4/1991, vì thế vấn đề lãnh thổ thu hút sự chú ý đặc biệt. Trên các báo thời kỳ đó xuất hiện nhiều giả thuyết khác nhau của việc: tuyên bố của Tarasov đã dựa trên những cơ sở nào.

Như tờ “Kommersant” đưa tin hồi tháng 3/1991, trong quá trình các cuộc trò chuyện của Gorbachev và người đứng đầu Đảng dân chủ tự do Nhật Bản Ikiro Odzava dường như đã trao đổi về việc nhượng lại các đảo để đổi lấy “sự tham gia tài chính của Nhật Bản vào việc tài trợ cho những mục tiêu hợp tác lẫn nhau”, nhưng ở đây nói đến số tiền 28 tỉ USD. Theo tài liệu của báo, vấn đề chuyển giao các đảo có trong chương trình nghị sự của chuyến thăm Nhật Bản của bộ trưởng ngoại giao Liên Xô A.A Bessmertnưi, diễn ra vào giai đoạn đó. Còn dự định giải quyết dứt điểm vấn đề trong diễn biến chuyến thăm đến Tokyo của chính tổng thống Liên Xô.

Đến lượt mình, trong cuốn “Cuộc sống và cải tổ’ M.Gorbachev đã thừa nhận rằng Odzava đã nhắc ông về việc các công ty của Nhật Bản sẽ sẵn sàng “giúp đỡ kinh tế thực sự” cho Liên Xô, nếu như Moscow đồng ý với những điều kiện Tokyo đưa ra. Lúc đó cựu tổng thống Liên Xô đã gạt bỏ việc “lấy mặc cả làm cách thức tiến hành công việc”

Công việc dang dở

Chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Liên Xô đến Nhật Bản diễn ra từ ngày 16 đến 19/4/1991. Theo hồi ức của chính Gorbachev, người Nhật đặc biệt đề nghị cần xác nhận những điều kiện của tuyên bố năm 1956, trong đó Liên Xô đồng ý chuyển cho Nhật quần đảo Habomi và Shicotan sau khi ký hiệp ước hoà bình (ban lãnh đao Liên Xô đã từ bỏ lời hứa này sau khi Mỹ - Nhật ký hiệp ước an ninh và tác động lẫn nhau trong năm 1960).

Ngày 18/4/1991, theo kết quả chuyến thăm của Gorbachev tới Nhật Bản, tuyên bố chung Xô – Nhật đã được ký kết, trong đó nhấn mạnh rằng tổng thống Liên Xô và thủ tướng Nhật bản đã thảo luận vấn đề ký kết hiệp ước hoà bình, “bao gồm vấn đề phân định rõ ràng lãnh thổ, có tính đến quan điểm của hai bên về thuộc tính của quần đảo Habomai, của đảo Shicotan, đảo Curashir và đảo Iturupa”. Còn một việc nhắc đến vấn đề này trong văn kiện chính thức chứng minh sự thay đổi quan điểm của Moscow.

M.Gorbachev đã không đủ thời gan để giải quyết hoàn toàn vấn đề Nam Kuril. Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ ông đã than thở: “Nếu như tôi còn ở vị trí của mình, vấn đề lãnh thổ phía Bắc có lẽ đã được giải quyết từ lâu”.

Theo Russian7