Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Đó là phiên ngày 17/7, với 8.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành và được các tổ chức tín dụng hấp thụ 100%.
Sau đó, trọn tuần hoạt động này nối dài, số dư lưu hành tín phiếu (hay lượng tiền hút bớt về) tăng lên nhanh chóng; lãi suất tín phiếu chỉ giảm chỉ còn khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với hoạt động trên, lãi suất VND trên liên ngân hàng liên tiếp giảm sâu. Lãi suất chào bình quân VND qua đêm ghi nhận dưới 1%/năm sau một thời gian dài.
Nhìn bề nổi, mọi cái dường như êm đềm, không có gì xáo trộn hoặc biến động lớn. Và sự chú ý đầu tiên đơn giản ở các cân bằng: nếu lãi suất VND cứ rơi sâu, điểm hoán đổi lãi suất nhỏ đi, bập bênh quan hệ với tỷ giá USD/VND có thể sớm thể hiện.
Thêm nữa, những diễn biến trên cho thấy hệ thống đang thừa tiền, thậm chí thừa nhiều. Cho nên, về bề nổi, tiền ra nhiều mà tăng trưởng thấp, nền kinh tế vẫn hấp thụ kém, thì dễ kích lạm phát.
Cả hai ý trên, tỷ giá và lạm phát, nếu xẩy ra tình huống không mong đợi, nhiều con mắt trên thị trường sẽ nhìn về chính sách tiền tệ với sự trách móc, đổ lỗi(?).
Nhưng nhìn sâu hơn vào hệ thống, nếu có những tình huống đó, thì chính sách tiền tệ có phần bị vạ lây.
Vì nhìn vào câu hỏi: sao lại ứ đọng tiền dẫn đến những chuyển động và có thể phát sinh những tình huống đó?
Có một câu trả lời, theo người viết, nằm ở một thực tế: “Nghèo nhưng vẫn còn hoang”.
Nghèo, vì ngân sách vẫn liên tục phải đi vay mượn qua phát hành trái phiếu để cân đối hầu bao và trang trải chi tiêu. “Hoang” nằm ở chỗ, tiền đi vay về chưa giải ngân hết vẫn liên tiếp đi vay nữa. Tiền chưa giải ngân hết, chưa dùng được ngay, thì phải trả lãi suất và vẫn đang nối thêm thời gian khê đọng nguồn đó.
Nếu nhìn trong khuôn khố của một gia đình, ví như đang xây nhà cần vay tiền, chuẩn bị xây móng thì vay và nhận ngay 10% thôi, đến đổ trụ thì vay và nhận tiếp 20% nữa, đến đổ mái thì thêm 30%... Như thế giảm thiểu chi phí và dùng vốn vay hợp lý hơn là vay hẳn 100% rồi để đấy giải ngân dần.
Nói theo lý thuyết thì kế hoạch vay và giải ngân cần khớp kế hoạch để tránh “hoang”. Như ở bài viết gần đây trên VnEconomy về hai bánh của chiếc xe, trong sự kiện Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất điều hành.
Khi thừa vốn như vậy, khê đọng như vậy, tiền được gửi lại hệ thống ngân hàng, là một trong những nguyên nhân chính dồn đẩy những chuyển động như nêu ở đầu bài. Thế nên, chính sách tiền tệ có thể bị vạ lây là vậy.
Dẫn chứng và tham khảo thêm: lãnh đạo Chính phủ đã thấy rõ những mối quan hệ và tình huống hệ lụy có thể xẩy ra. Nên đầu tháng này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã quyết liệt khi yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, dẫn đến một sự khê đọng vốn.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn phải gồng mình xử lý. Nói gồng mình vì lãi suất có chỉ đạo mục tiêu giảm tiếp, nhưng lại không thể thực hiện bằng cách đẩy tiền ra cho nhiều. Và tiền có biểu hiện ứ nhiều, ám ảnh lạm phát và tỷ giá buộc phải tăng cường hút về.
Phát hành tín phiếu đang là kênh chủ lực, phản ứng nhanh. Lượng hút về đã lớn trong tuần qua để can thiệp và giữ cân bằng. Ở đây lại phát sinh một điểm liên quan đến cái “hoang” nói trên: phát hành tín phiếu thì phải trả lãi suất cho thị trường.