Trước đây, khi đưa ra lý do nhận sáp nhập Habubank, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết SHB mất ít nhất 5 năm để có được mạng lưới của "đối tác", nhưng nhờ kết hợp có thể rút ngắn được xuống 3 tháng, tiết kiệm được chi phí và thời gian.
Việc Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank mới đây được Phó chủ tịch Trầm Bê cho rằng, thương vụ thành công sẽ giúp Sacombank được sở hữu hệ thống chi nhánh hơn 600 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào (của Phương Nam hơn 140 điểm, Sacombank hơn 428 điểm) cùng hơn 4.000 nhân viên Southern Bank đã được đào tạo, mà nếu không sáp nhập, Sacombank nhiều khi bỏ ra 5.000-10.000 tỷ đồng cũng chưa chắc có được.
Đến nay, sau hàng loạt những vụ sáp nhập, điểm cộng về mạng lưới là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, đánh đổi lại, không ít nhà băng đã khốn khổ vì nặng nợ hơn rất nhiều.
SHB là một ví dụ. Khi tiếp quản Habubank, nợ xấu của nhà băng này từ dưới 3% ngay lập tức vọt lên tới hai con số. Ngay sau khi nhận Habubank, ngân hàng này chuyển từ lãi sang lỗ hơn 1.100 tỷ đồng hồi quý III/2012. Sau đó, SHB dần có lãi trở lại, nợ xấu cũng giảm dần từ 9%, 7% rồi 3%, nhưng nói như bầu Hiển, ông và các nhân viên phải "ngày đêm đau khổ" vì nợ xấu của Habubank.
Trong cuộc họp cổ đông bất thường của Sacombank mới đây, nhiều cổ đông không giấu được sự lo lắng khi nhận đối tác sáp nhập là Ngân hàng Phương Nam có tỷ lệ nợ xấu khá cao. Do đó, họ sợ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của ngân hàng sau sáp nhập.
Nợ xấu Sacombank hiện là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, số nợ này đã được đối tác Southern Bank xử lý một phần lớn, số còn lại đa phần đủ tài sản đảm bảo và có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, để xử lý được phần cứ cho là nhỏ còn lại cũng không đơn giản vì ít nhiều sẽ làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của Sacombank. Trong đề án chi tiết sáp nhập vừa được Sacombank công bố cho thấy, dự kiến năm 2015 Sacombank sẽ phải trích lập hơn 1.800 tỷ đồng dự phòng; năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 sẽ trích lập trên 5.200 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro.
Đó là chưa kể sự vênh nhau về năng lực nguồn nhân sự cũng như nền tảng công nghệ thông tin giữa hai ngân hàng sáp nhập. Trao đổi vớiVnExpress, lãnh đạo một nhà băng tâm sự: "Khi sáp nhập, nguyên tắc đầu tiên phải cam kết là giữ nguyên nhân sự. Tuy nhiên, năng lực của không ít nhân sự tại ngân hàng yếu kém vốn đã rất tệ. Nỗi khổ của chúng tôi khi ấy là làm sao tận dụng được nguồn nhân lực này mà không cồng kềnh bộ máy, tốn kém chi phí".
Với nhiều trường hợp sáp nhập gần đây, lãnh đạo các ngân hàng đã có quan điểm khá "rắn" trong câu chuyện nhân sự để tránh việc phải "ôm rơm nặng bụng". Như VietinBank, ngay trong đề án sáp nhập với PG Bank, đơn vị này khẳng định sẽ sàng lọc lại năng lực của từng người trong sau 6 tháng đầu tiên.
Mua bán, sáp nhập ngân hàng là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, cộng hưởng thế mạnh của cả hai, gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hầu hết các ngân hàng sau sáp nhập phải "ôm" và xử lý khối nợ xấu rất lớn nên đương nhiên khó đạt kế hoạch kinh doanh như kỳ vọng. "Nhiều ngân hàng khổ vì khoản nợ xấu này, nó là yếu tố tác động rất tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng", ông Hiếu nói.
Trong đề án sáp nhập, Vietinbank vẫn tỏ ra khá tự tin khi đưa ra dự kiến lợi nhuận từ năm 2015 đến 2017 sẽ tăng dần, lần lượt từ 0% lên 3% và 4%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kế hoạch này có vẻ hơi lạc quan, đặc biệt sau khi đơn vị này nhận sáp nhập PG Bank, rồi còn phân tán nguồn lực đi gánh gồng thêm 2 ngân hàng yếu như Ocean Bank và GP Bank theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. 4 năm trở lại đây, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank liên tục giảm. Năm 2011 lãi trước thuế 8.392 tỷ, năm 2012 còn 8.168 tỷ, năm 2013 7.750 tỷ và năm 2014 còn 7.302 tỷ đồng.
Dù hiện nay, Vietinbank chủ yếu đóng góp ở khâu nhân lực khi gửi cán bộ cốt cán "biệt phái" GP Bank, Ocean Bank nhưng việc phải gánh gồng hai ngân hàng yếu kém, âm hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ khiến nhiều chuyên gia lo ngại có thể sẽ khiến các mục tiêu tham vọng của Vietinbank bị ảnh hưởng.
Tương tự là trường hợp Sacombank, để tạo ra một định chế tài chính có vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng và được Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng - đại diện cổ đông lớn chiếm gần 9,8% vốn Sacombank nhận định, trong 3-5 năm tới, không có ngân hàng cổ phần nào có thể bắt kịp quy mô này thì trong thời gian đầu (dự kiến 3 năm), nhà băng này cũng phải đánh đổi bằng lợi nhuận.
Kế hoạch lợi nhuận 2015 đã được đại hội đồng cổ đông Sacombank thông qua ở mức 3.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng với việc sáp nhập Phương Nam và mức dự phòng rủi ro lớn nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 lùi về khoảng 1.000 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).
Một chuyên gia cũng đưa ra nhận xét rằng, sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội. "Nếu chúng ta muốn hình thành nên những quả đấm thép, những ngân hàng tầm cỡ ngang các ngân hàng khu vực, thì phải hết sức thận trọng trong cách đánh giá tiền sáp nhập cũng như chiến lược điều hành của ngân hàng hậu sáp nhập, chứ không đơn thuần chỉ là bài toán 1 cộng 1 bằng 2 đơn thuần", vị này nói.
Theo Vnexpress