Startup công nghệ giá trị nhất của Indonesia đang trong các cuộc thương thảo để dọn chỗ cho ít nhất 2 tỷ USD đầu tư nhằm tăng cường cho công cuộc mở rộng ra thị trường quốc tế, theo một nguồn tin nội bộ. Vòng đầu tư này dự kiến sẽ đóng cửa trong một vài tuần tới, với một số cái tên hậu thuẫn như Tencent, Temasek và Warburg Pincus. Go-jek khởi đầu bằng dịch vụ đi chung xe rồi sau đó mở rộng ra nhiều dịch vụ theo yêu cầu để khách hàng thanh toán hóa đơn, đặt đồ ăn và mua vé xem phim.
Lái xe Go-jek tại Indonesia (Nguồn: Internet)
Theo Kuo-yi Lim, đối tác quản lý của Quỹ Monk's Hill Ventures tại Singapore vốn không tham gia vào đầu tư tại cả Grab và Go-jek, "Có yếu tố của một cuộc chiếm hữu không chỉ ở mặt địa lý mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như thanh toán hay giao hàng. Rõ ràng có một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai đối thủ về thu hút đầu tư".
Go-jek được thành lập tại Jakarta và bắt đầu mở mang bờ cõi ra khỏi thị trường Indonesia mà công ty này thống trị. Vào ngày 12/9, dịch vụ đi chung xe máy và chuyển phát hàng hóa mang tên Go-Viet đã được khai trương thử nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là động thái vươn ra quốc tế đầu tiên mà Go-jek triển khai. Theo công ty này, trong vòng 6 tuần đã có hơn 1,5 triệu lượt tải app và 25,000 tài xế đăng ký tham gia. Kế hoạch sắp tới của Go-Viet sẽ là các dịch vụ khác như đi chung oto, giao đồ ăn và chuyển tiền trực tuyến tại thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân.
"Khách hàng cần nhiều sự lựa chọn cũng như thị trường đòi hỏi sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển bền vững", là tuyên bố của CEO Go-jek Nadiem Makarim. Kế hoạch mở rộng hoạt động tại Thái Lan, Singapore và Philippines cũng đã được đẩy mạnh.
Vòng thu hút vốn đầu tư gần nhất đã đem lại cho Go-jek khoảng 1,5 tỷ USD vốn mới cũng như đẩy giá trị công ty lên mức 5 tỷ USD.
Theo ICT News