Gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19: Vì trách nhiệm cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ trong thời điểm này là giải pháp hợp lý vì trách nhiệm với cộng đồng để cùng nhau ứng phó hiệu quả với thách thức này”- TS. Huỳnh Huy Hoà nói.
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine COVID-19 đối với các đối tượng có nguy cơ cao
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine COVID-19 đối với các đối tượng có nguy cơ cao

Sau những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đưa vấn đề gỡ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 nhằm giúp thế giới vượt qua cơn đại dịch này. Dưới góc độ tác động đến kinh tế, xã hội, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với TS. Huỳnh Huy Hoà - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng.

- Ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 để góp phần ngăn chặn đại dịch?

TS. Huỳnh Huy Hoà: Theo quan điểm cá nhân, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm trên toàn thế giới và đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thì vấn đề bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 cần được cân nhắc.

Tôi hy vọng sẽ có nhiều tổ chức và cá nhân cùng đồng tình với việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19 này để cộng đồng được hưởng lợi.

- Theo ông, việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng gì đến các vấn đề pháp lý quốc tế, hay thông lệ quốc tế hay không?

TS. Huỳnh Huy Hoà: Theo tôi được biết, đến nay, đã có khoảng 100 quốc gia đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) can thiệp để mong muốn các nước phát triển và hãng dược phẩm bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, lịch sử thế giới cũng đã ghi nhận tiền lệ khi các thành viên WTO đồng ý từ bỏ quyền sáng chế và cho phép các nước nghèo hơn nhập khẩu các phương pháp điều trị chung cho HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao vào năm 2003.

Có thể nói, điều này không gây ảnh hưởng đến các vấn đề pháp lý quốc tế, hay thông lệ quốc tế, nếu được các thành viên WTO đồng thuận.

Việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp người dân tiếp cận dễ hơn đối với vaccine COVID-19

Việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp người dân tiếp cận dễ hơn đối với vaccine COVID-19

- Việc gỡ bỏ quyền này sẽ đem lại điều gì cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?

TS. Huỳnh Huy Hoà: Việc bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ trong thời điểm này là giải pháp hợp lý vì "lợi ích chung của nhân loại" (từ dùng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron), vì sự chia sẻ công bằng giữa các nước giàu và nghèo trên thế giới, vì trách nhiệm với cộng đồng để cùng nhau ứng phó hiệu quả với thách thức mang tính toàn cầu này. Vì vậy, tại thời điểm này, việc làm này sẽ tạo sự kết nối, tương trợ lẫn nhau giữa các nước trên thế giới.

Việt Nam là một trong rất ít các quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Theo WHO, hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Các chuyên gia cũng đã nhận định rằng, nếu việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine COVID-19 được đồng thuận, Việt Nam sẽ có thể chủ động nguồn vaccine cho chính mình, đồng thời có thể hỗ trợ cho các quốc gia khác thông qua việc sản xuất vaccine trong nước.

- Với những được mất như đã trao đổi ở trên, theo ông, cộng đồng cần làm gì để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp này, giúp doanh nghiệp tiếp tục tạo động lực nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm mới trong tương lai, mà cộng đồng vẫn có thể được hưởng lợi từ các nghiên cứu này?

TS. Huỳnh Huy Hoà: Bản quyền vaccine là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp dược phẩm, nhằm bảo vệ quyền trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các hãng dược. Tuy nhiên, đứng trước cuộc khủng hoảng y tế, sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt do đại dịch COVID-19 gây ra như hiện nay, các doanh nghiệp buộc phải đặt lợi ích của nhân loại lên hàng đầu, phải vì mục đích chung là phục vụ cộng đồng.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp chia sẻ của họ lần này cũng có thể đem lại những lợi ích khác (về uy tín, thương hiệu…) cho họ trong dài hạn, nên cũng không thể chỉ nói đến thiệt hại của họ.

Cuối cùng cần xác định rằng, việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ này chỉ mang tính thời điểm và cần đặt yếu tố vì cộng đồng, vì nhân loại trong tình trạng cấp bách, đối mặt với thảm họa toàn cầu.

- Xin cảm ơn ông!