Gilimex: Thành bại tại Amazon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đứng trên vai 'gã khổng lồ' Amazon, Gilimex đã trở thành một trong những công ty dệt may hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng tương lai bất định đang chờ đợi doanh nghiệp này sau khi đâm đơn kiện Amazon.
Gilimex kinh doanh ra sao trước khi đâm kiện Amazon 280 triệu USD?
Gilimex kinh doanh ra sao trước khi đâm kiện Amazon 280 triệu USD?

CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã CK: GIL) vừa công bố thông tin liên quan đến việc khởi kiện Amazon Robotics LLC (Amazon).

Theo GIL, Amazon là một trong những khách hàng của công ty từ năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.

"Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công ty theo nội dung dung hai bên đã thỏa thuận, công ty đang tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan để khởi kiện Amazon", GIL cho biết.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Amazon đang phải đối mặt với vụ kiện trị giá 280 triệu USD từ GIL.

Trong đơn, GIL cho hay, doanh nghiệp này đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon. Bên cạnh đó, GIL đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa hàng hóa.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho biết đã có thỏa thuận lâu dài với Amazon để mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh của 'ông lớn' bán lẻ này trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, theo GIL, Amazon đã đột ngột cắt giảm các đơn đặt hàng từ tháng 4-5/2022.

Thành - bại tại Amazon

GIL tiền thân là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận Bình Thạnh, được thành lập năm 1982, tự giới thiệu là một trong những công ty may và dệt da dụng hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện sở hữu 14 công ty con và 1 công ty liên doanh, cùng 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ (Tp. HCM) và các nhà máy vệ tinh.

Mối hợp tác với Amazon được xem là bước ngoặt đem đến sự khác biệt cho GIL và các doanh nghiệp cùng ngành khác. Việc đứng trên vai “gã khổng lồ” giúp hoạt động kinh doanh của Gilimex phất lên trông thấy.

Kể từ năm 2014, quy mô sản xuất của GIL cho Amazon đã tăng gấp 20 lần, với công suất trung bình đạt hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ mỗi năm. GIL cũng chấp nhận từ chối các khách hàng lớn như IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.

Trong năm 2021, công ty lần đầu ghi nhận doanh thu vượt 4.000 tỉ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước. Từ quý 4/2021 đến quý 2/2022, nguồn thu của công ty luôn ổn định trên dưới 1.300 tỉ đồng/quý, thuộc top doanh thu cao của ngành.

Lãi ròng cả năm của GIL tăng 6,9% cùng kỳ, đạt 330,6 tỉ đồng – mức lợi nhuận ấn tượng trong thời kỳ bùng nổ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đến quý 3/2022, doanh thu của công ty đột ngột giảm mạnh 66% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 213 tỉ đồng. Mức doanh thu này thậm chí giảm tới 83,2% so với số tiền GIL thu được trong quý 2/2022, và là mức thấp nhất trong 8 năm gần nhất.

Kết thúc quý 3/2022, GIL báo lãi ròng 128,2 tỉ đồng, tăng 10,4% so với quý liền trước, chủ yếu nhờ vào khoản lãi đột biến lên tới 200,9 tỉ đồng lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết.

Tại ngày 30/9/2022, số dư phải thu khách hàng ngắn hạn của GIL với Amazon ở mức 15,4 tỉ đồng, trong khi đầu năm 2022, khoản mục này lên tới 797,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, so với đầu năm 2022, số dư hàng tồn kho của GIL tăng tới 70,5%, đạt 1.277,8 tỉ đồng, chiếm 30% tổng tài sản./.