Theo thông tin trên báo chí, dự kiến ngày 17-5, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng sinh năm 1998, ngụ TP.HCM) về tội “cướp giật tài sản”.
Cáo trạng cho biết khoảng 22 giờ ngày 17-10-2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). Cả hai cùng chơi game đến 10 giờ ngày hôm sau thì Tân lấy xe máy chở Tuấn đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin làm việc.
Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng cả hai không có tiền nên nảy sinh ý định “cướp” bánh mì ăn.
Đến trước một tiệm tạp hóa (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy; 1 ổ bánh mì ngọt; 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Theo cáo trạng, số hàng này có tổng trị giá 45 ngàn đồng.
Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy.
Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho Công an phường xử lý. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cả hai bị tạm giam từ ngày 18-10-2015.
Cáo trạng của VKS cho rằng hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp giật tài sản” thuộc trường hợp "dùng thủ đoạn nguy hiểm" và truy tố cả hai theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt mỗi đối tượng từ 3-10 năm tù.
Theo cáo trạng, cả Tân và Tuấn đều sinh năm 1998 (lúc phạm tội - năm 2015 - cả hai đều 17 tuổi) và chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên trước đó ngày 30-7-2015, Tuấn bị công an huyện Củ Chi khởi tố về tội trộm cắp, sau đó bỏ trốn. Đến ngày 24-8-2015, công an Củ Chi ra quyết định truy nã Tuấn.
Sau khi báo chí đăng thông tin về vụ án này, hiện có hai luồng quan điểm:
1- Tân và Tuấn có tội, chỉ là nên xử án thấp;
2- Tân và Tuấn tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng hành vi nguy hiểm không đáng kể nên không phải là tội phạm (theo khoản 4, Điều 8 Bộ luật hình sự).
Vậy ý kiến của bạn thế nào? Hãy bày tỏ quan điểm ngay ở phần bình luận dưới bài viết, PLO trân trọng đón nhận các ý kiến của bạn đọc.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng....
Khoản 4, Điều 8 Bộ luật hình sự 2009
4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Theo PLO