Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng: Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ tham mưu về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Ngày 8/12, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP Đà Nẵng khoá IX, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp trong tháo gỡ khó khăn về quản lý đất đai do lịch sử để lại, đồng thời kiến nghị có cơ chế bảo vệ cán bộ tham mưu trong lĩnh vực đất đai.

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng

Tháo gỡ khó khăn do lịch sử để lại

Ý kiến liên quan đến công tác thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về sai phạm trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng thời gian qua, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng - cho rằng, việc tháo gỡ những vướng mắc về quản lý đất đai của Đà Nẵng không chỉ khơi thông nguồn lực, ổn định trật tự xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của TP.

“Đây là một trong những vấn đề suốt nhiệm kỳ qua đã được thảo luận, chất vấn để tìm ra giải pháp. Đây cũng chính là vấn đề mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP hết sức quan tâm” – ông Tô Văn Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, Sở TN&MT đã tham mưu và giải quyết dứt điểm vướng mắc của một số dự án. Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng báo cáo đề xuất Bộ TN&MT tháo gỡ đối với nhiều dự án. Kết quả là đã có một số dự án được khơi thông sau nhiều năm đóng băng, lợi ích xã hội ít nhiều được nhìn thấy.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn có những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận cán bộ của ngành chức năng trong quá trình tham mưu, nhất là gần đây, khi các thông tin liên quan đến các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ được công khai đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

"Gần như ai cũng hiểu những vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đất đai của TP trong thời gian qua. Các sai phạm cũng đã được chỉ rõ tại các kết luận 2852, kết luận 269... của Thanh tra Chính phủ. Cùng với đó là hàng loạt các bản án đã và đang được thực thi cho thấy việc vận dụng các chính sách trong đất đai của Đà Nẵng trước đây không đúng quy định. Đó là việc giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định; vận dụng chính sách trong công tác giải toả đền bù không đúng đối tượng,… đã bị xử lý” – ông Hùng trăn trở.

Một góc đô thị Đà Nẵng

Một góc đô thị Đà Nẵng

Cũng theo ông Hùng, trong thời gian dài, Đà Nẵng đã vận dụng những cách làm trên nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển TP. Và nếu không có chính sách thu hút, rút gọn quy trình trong thủ tục kêu gọi đầu tư thì Đà Nẵng sẽ không có như ngày hôm nay.

"Nếu không có chính sách 'đột phá' về giải toả đền bù thì khó có thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong khoảng thời gian ngắn để kiến tạo nên diện mạo một đô thị văn minh hiện đại như ngày hôm nay" - ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận: “Với pháp luật thì mọi sự vận dụng không phù hợp đều là sai phạm và phải bị xử lý, phải khắc phục. Và không day dứt sao được, khi mà những thế hệ lãnh đạo đi trước đang phải hứng chịu sự xử lý với mức án nặng nề. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự chia sẻ, cần tháo gỡ nút thắt trong tư duy, quan điểm khi tiếp cận giải quyết vấn đề đất đai mang tính lịch sử của TP”.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ tham mưu về đất đai

Từ những thực tế đang diễn ra, cùng kinh nghiệm bản thân từng ở vị trí giám sát (Trưởng ban Đô thị HĐND TP), ông Hùng cho rằng, HĐND TP sớm xem xét ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn. Đồng thời, có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề tồn tại trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu.

Ông Hùng đề nghị, Thường trực HĐND cùng vào cuộc, nghiên cứu, định hướng những giải pháp phù hợp để chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện, tránh những sai sót có thể xảy ra trong thời gian tới. Việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc do yếu tố lịch sử để lại cũng rất cần sự chung tay vào cuộc của HĐND để sớm tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp.

"Thực tế chúng tôi đã từng đối diện với những văn bản trả lời với nội dung 'Đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật' khiến chúng tôi hoang mang trong việc tham mưu, vì vốn gốc của vấn đề đã sai, tiếp cần tháo gỡ thì làm sao có thể đúng quy định pháp luật. Vì thế, HĐND TP cần nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu khi có những sai sót do khách quan đem lại” – ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết, trong văn bản xin ý kiến của bộ ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án trước đây, để bảo vệ quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, TP đã tự nhận cái sai về mình. Việc này được doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện chính quyền không né tránh trách nhiệm.

TP Đà Nẵng nhìn từ cửa sông Hàn

TP Đà Nẵng nhìn từ cửa sông Hàn

Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề lịch sử để lại, góp phần khơi thông nguồn lực, bên cạnh quan điểm luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vận dụng tối đa các quy định hiện hành để tháo gỡ, TP cần có sự chia sẻ, chung tay của doanh nghiệp, cộng đồng và cử tri.

Trong nội dung trao đổi, ông Tô Văn Hùng nhắc đến Kết luận 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 và Kết luận thanh tra số 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, Kết luận 2852 khẳng định những sai phạm trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng là trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2003-2011 khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất thiếu căn cứ pháp lý, thực hiện giao đất không qua đấu giá đất đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 3.400 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng thời kỳ 2003 - 2011, Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Hội đồng thẩm định giá TP…

Trước những sai phạm này, Chủ tịch UBND TP các thời kỳ (ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến), Phó Chủ tịch UBND TP (ông Nguyễn Ngọc Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), Giám đốc Sở TN&MT (ông Nguyễn Điểu), Giám đốc Sở Tài Chính (ông Nguyễn Thanh Sang)… đã bị truy tố và đưa ra xét xử công khai.

Cùng với đó, Kết luận số 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên Bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.

Tại kết luận, Thanh tra chính phủ chỉ rõ những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên Bán đảo Sơn Trà thuộc về UBND TP Đà Nẵng khi phê duyệt, triển khai 18 dự án xây dựng trên Bán đảo Sơn Trà từ năm 2003.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm thuộc về Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Giám đốc các Sở, lãnh đạo các phòng ban, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và các cán bộ có liên quan qua các thời kỳ.

Đồng thời, chuyển hồ sơ, giao Bộ Công an, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa do Công ty CP Xây dựng 79 (liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) làm chủ đầu tư và Dự án Khu biệt thự Suối Đá.