Giải pháp năng lượng sạch hạn chế ô nhiễm môi trường

VietTimes – Các quốc gia đã và đang tìm giải pháp để có nguồn năng lượng xanh, thải ít carbon, giảm "áp lực" cho trái đất.
Giải pháp năng lượng sạch hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bộ TNMT.
Giải pháp năng lượng sạch hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: Bộ TNMT.

Nhiều năm qua, trái đất đang nóng dần lên và ô nhiễm nặng hơn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ quá trình sản xuất, sinh hoạt con người, đặc biệt là các hoạt động năng lượng phát ra nhiều carbon. Các nhà nghiên cứu đã và đang tìm tòi ra nhiều nguồn năng lượng sạch, thải ít carbon để giảm "áp lực" cho trái đất.

Các nguồn năng lượng sạch

Theo thông tin từ tờ tạp chí Tia Sáng, ông Esa Hyvärinen - tân Chủ tịch của tập đoàn công nghiệp Foratom, cho rằng năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn phát thải ít carbon.

Xu hướng hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia thành viên coi năng lượng hạt nhân là một phần tất yếu trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, còn nhiều nguồn năng lượng phát thải ít carbon khác, nên Foratom không ủng hộ các chính sách ưu tiên dành cho năng lượng hạt nhân.

nha may dien hat nhan
Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, Nghị quyết 18 năm 2007 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 đã đưa ra nhóm chính sách cho các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân... Cùng với đó, việc xây dựng dự án chuỗi 2 nhà máy điện hạt nhân I và II được lập dự án xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW cũng được triển khai.

Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này đang bị trì hoãn. Thông tin từ tờ Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết Nhà nước dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với lý do lớn nhất là chi phí lớn trong bối cảnh nợ công tăng, ngân sách khó, đồng thời chúng ta cũng cần thêm thời gian để tích lũy vốn, chuyên môn nhằm từng bước làm chủ công nghệ hạt nhân.

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, vừa qua, Cơ quan Tạp chí Năng lượng Việt Nam (thuộc VEA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khởi động dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, Cơ quan này nhận định điện hạt nhân sẽ là một trong những lựa chọn như một nhu cầu tất yếu, khách quan. Việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn sau 2030 và đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh năng lượng điện hạt nhân, nguồn năng lượng tái tạo cũng được chú ý. Trên tờ Báo Tin Tức, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết nước ta có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

 khu vực lắp hệ thống pin của Nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1. Ảnh: daklak.gov.vn
khu vực lắp hệ thống pin của Nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1. Ảnh: daklak.gov.vn

Về điện gió, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió.

Về năng lượng mặt trời, Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam. Do đó, nguồn năng lượng này cũng được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW. Đến nay, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo có công suất cao nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia.

Theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như: Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối...

Chính phủ cũng ban hành chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như: Ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng PPA... để thu hút đầu tư xây dựng năng lượng sạch.

Thách thức trong việc xây dựng nguồn năng lượng sạch

Đi tìm giải pháp năng lượng sạch là xu thế chung của toàn cầu. Mỗi quốc gia sẽ có lựa chọn phù hợp với nền kinh tế - xã hội của mình và cũng sẽ gặp không ít thách thức.

Về các khó khăn tại Việt Nam, ông Đỗ Đức Quân cho rằng muốn huy động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành năng lượng, nước ta cần có môi trường đầu tư minh bạch và lộ trình chính sách rõ ràng với tầm nhìn xa hơn năm 2021. Đồng thời, Chính phủ đưa ra lộ trình càng dài hạn cho nhà đầu tư thì rủi ro đầu tư và chi phí vốn càng thấp.

Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo còn một số bất cập và thách thức: Chi phí đầu tư cao, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời),...

Cụ thể, với điện mặt trời áp mái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay họ chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh toán tiền điện. Hơn nữa, nước ta cũng chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời áp mái,...

Vốn đầu tư cũng là rào cản lớn đối với phát triển năng lượng tái tạo. Biểu giá điện nước ta đang được áp dụng đồng nhất cho mọi khu vực gây hạn chế cạnh tranh. Biểu giá điện cũng bị kiểm soát hoàn toàn trong khi năng lượng tái tạo hay dao động dẫn đến thiếu vốn đầu tư.