Gia tăng những ứng xử lệch chuẩn trong dạy và học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những lời lẽ nặng nề gây bức xúc mà thầy cô và học sinh dành cho nhau đã lác đác xuất hiện đây đó, và do dạy và học bằng hình thức trực tuyến nên nó dễ bị ghi lại và phát tán hơn bao giờ hết.
Trường học nơi cô giáo Y mắng chửi học sinh - Ảnh vietnamnet.vn

Trường học nơi cô giáo Y mắng chửi học sinh - Ảnh vietnamnet.vn

Ngày 17/9, trong clip được phát tán trên mạng, một thầy giáo trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đuổi một sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến vì sinh viên này do không nghe rõ lời giảng của thầy bởi trời mưa to nên muốn thầy nhắc lại.

Sự việc chưa lắng xuống thì ngày 21/9, lại xuất hiện một đoạn clip ghi lại tiếng giảng viên quát tháo và mắng sinh viên là "óc trâu" trong lớp học trực tuyến khác. Phía ĐH Bách khoa TPHCM thừa nhận người thầy gây bức xúc trong clip là giảng viên của trường.

Ở một phía khác, trong lớp học online của trường Cao đẳng FPT Polytechnic, một sinh viên đã có những lời đôi co mang tính tục tĩu, thậm chí đòi “solo” với thầy giáo. Sự việc đang được trường này “làm việc” và xử lý trước ồn ào của dư luận.

Đặc biệt, cũng trong một lớp học trực tuyến của trường THPT Cam Lộ (H.Cam Lộ, Quảng Trị), cô giáo Y đã có những lời lẽ hết sức nặng nề với một học sinh lớp 11 và gây bức xúc như: “quái thai về thể xác, quái thai về tâm hồn, rác rưởi của xã hội, con chó, đồ mạt hạng, đồ tiểu nhân, đồ nít ranh, chết quách đi cho rồi, đồ điên, xưng mày – tao với học sinh, cha mẹ bất hạnh đẻ ra đứa con quái dị, rác thải của xã hội, đồ rác thải, chết rấp dưới bùn đen của xã hội, ra xã hội em sẽ bị tống tù...” .

Đây là những ví dụ khá tiêu biểu cho một sự “đụng độ” thầy - trò trên màn hình lớp học trực tuyến, diễn ra trong khoảng hơn một tuần qua. Dư luận thì nhiều chiều: bức xúc với giảng viên; bất bình với sinh viên, học sinh; thất vọng với cả hai hay tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả cũng như tính tích cực của dạy học online.

Nội dung những đoạn clip này đã được đại diện những bên liên quan giải thích bằng nhiều cách khác nhau như việc bị cắt ngắn dẫn tới không cho thấy được toàn bộ diễn biến của các vụ việc; hay sự “có vấn đề về tâm lý” của cả người dạy lẫn học; hay vì muốn giờ học có kết quả tích cực từ phía giảng viên v.v. Dù thông giải kiểu gì thì đây vẫn là những sự việc đáng buồn và gây lo lắng về những gì đang diễn ra trong dạy học trực tuyến, nhất là những bất ổn đang bộc lộ ra trong mối quan hệ thầy trò ở nền giáo dục nước nhà.

Trước những sự kiện này, dư luận đã có những “hiến kế” theo nhiều hướng khác nhau, như cần quan tâm đặc biệt đến khía cạnh tâm lý trong giáo dục nói chung; có người còn đề nghị đuổi việc giảng viên hay đình chỉ học tập người học; hay đề nghị xây dựng quy chế cho dạy học trực tuyến để tránh những ứng xử thiếu văn hóa trong môi trường giáo dục v.v.

Những ứng xử này, tất nhiên không hẳn chỉ vì học trực tuyến mà phát sinh, có ý kiến cho rằng trước đây nó vẫn có, giờ chẳng qua do học trực tuyến mà dễ được ghi lại hơn.

Những ngày này dư luận cũng đang nêu lên những băn khoăn về văn hóa học đường, về đạo lý thầy trò, hay cao hơn nữa là vấn đề đạo đức xã hội trong điều kiện lao động, sản xuất, học hành, tương tác giữa người với người đang phải thay đổi rất mạnh do yêu cầu phòng chống đại dịch của đất nước và của cả nhân loại.

Trước rất nhiều những biểu hiện mới của đời sống chưa từng có trong tiền lệ, rõ ràng những cơ quan hữu trách đang phải giải quyết thêm rất nhiều đầu việc, đang "đau đầu" để vạch ra những biện pháp mang tính tư tưởng lẫn kỹ thuật để khắc phục, chấn chỉnh, và chấn hưng.