Gần 200 đại biểu ở miền Trung họp bàn sửa đổi Nghị định 67 dành cho ngư dân
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và các địa phương đã tập trung thảo luận 5 nội dung sửa đổi đối với Nghị định 67 nhằm tạo điều kiện tốt hơn để ngư dân tiếp cận với chính sách đặc biệt này.
Sáng 29/8, gần 200 đại biểu đến từ Bộ NN-PTNT; Tổng Cục thủy sản; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, ngư dân, các ngân hàng, các công ty đóng tàu, cùng các doanh nghiệp tham dự Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67- Những vấn đề cần đặt ra” đã cùng thảo luận, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm xoay quanh 5 vấn đề chính để tìm ra các giải pháp giúp ngư dân tiếp cận với chính sách đặc biệt này. Đồng thời đề xuất các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các khó khăn, bất cập của Nghị định 67, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND TP. Đà Nẵng chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lại Xuân Môn-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam là một quốc gia đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Với lợi thế bờ biển trải dài từ bắc vào nam nên việc khai thác và bảo tồn các tiềm năng, thế mạnh của biển là một trong những nhu cầu tất yếu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhận thức về vấn đề này, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách định hướng phát triển kinh tế biển. Và trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Theo đó, Nhà nước đã dành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân đóng những con tàu vỏ thép hiện đại phục vụ cho công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67- Những vấn đề cần đặt ra” diễn ra sáng 29/8 tại Đà Nẵng do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND TP. Đà Nẵng chủ trì, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp tổ chức.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.
“Qua các con số trên, có thể nói, Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản, vốn vay, thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá, công tác đào tạo nhân lực... Những vướng mắc này cần phải được tháo gỡ kịp thời để ”Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, ông Lại Xuân Môn-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nói.
“Chính vì thế, Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra” nên tập trung thảo luận, chia sẻ và trao đổi tập trung vào 5 vấn đề chính để cùng nhau tìm ra các giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các khó khăn, bất cập”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh. Năm nội dung trọng tâm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa ra tại Hội thảo gồm: Thứ nhất là xem xét đối với chính sách đầu tư. Cần xem xét việc đầu tư hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã đồng bộ chưa? Cần phải làm những gì để thời gian tới công tác đầu tư hạ tầng cho ngành khai thác thủy hải sản được tốt hơn;
Ông Lại Xuân Môn-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tiếp đến là chính sách tín dụng cần giải quyết những hạn chế, bất cập như: Thủ tục cho vay rườm rà, phức tạp; các ngân hàng vẫn yêu cầu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, lãi suất cho vay còn cao..., vì vậy nhiều ngư dân rất khó vay hoặc không muốn vay vốn. Và đại diện các địa phương, các ngân hàng, cùng bà con ngư dân cần tập trung thảo luận, cho ý kiến về vấn đề này để tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn?
Nội dung thứ ba là về bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Việc khai thác thủy hải sản xa bờ chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì thế việc bảo hiểm cho tàu cá, bảo hiểm chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân rất quan trọng. Song, từ đầu năm đến nay, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh vướng mắc, làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải ngân cho các tàu đang đóng hoặc tàu đã đóng xong nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được. Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm, cho ý kiến thảo luận của các đại biểu để tháo gỡ vấn đề này?
Một vấn đề quan trọng không kém là phải để ngư dân thật sự là chủ của các con tàu chứ không phải là “chủ hờ”. Những sự cố đáng tiếc đối với hơn 40 con tàu bị hỏng hóc máy móc, rỉ sét cho thấy ngư dân không được tham gia thật sự vào các công đoạn đóng tàu từ khâu thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra đóng mới tàu cá. Và nếu có tham gia cũng rất chừng mực. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải thực hiện các quy trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch ra sao; trách nhiệm của các bên như thế nào để hạn chế tối đa sự cố nêu trên? Và có nên đóng tàu vỏ sắt hay chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ?
Vấn đề nữa là cần tập trung vào một số chính sách khác như đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành con tàu, hỗ trợ thiết bị đi biển dài ngày; Chính sách hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền lợi ngư dân ra sao?; thời gian đi biển như hiện nay đã hợp lý chưa? Các vấn đề này cũng cần được tập trung phát biểu, thảo luận.
Tình trạng tàu cá vỏ thép bị hư hỏng dù mới đưa vào hoạt động đã đánh động trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biến
Tại Hội thảo, gần 200 đại biểu đến từ Bộ NN-PTNT; Tổng Cục thủy sản; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân, ngư dân… các tỉnh thành duyên hải miền Trung đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ và đưa ra các giải pháp để sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến Nghị định 67, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân tiếp cận được chính sách ưu đãi đặc biệt này.