Gần 11.000 người bị khởi tố liên quan “tín dụng đen”

Tội phạm liên quan "tín dụng đen" xảy ra liên tiếp nhiều năm qua, ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh.
Gần 11.000 người bị khởi tố liên quan “tín dụng đen”

Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”do Bộ Công an tổ chức.

Theo báo cáo tại hội thảo, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng từ năm 2010-2014, cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.

Đặc biệt, liên quan đến “tín dụng đen” là 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản...

Ngoài ra, “tín dụng đen” còn mang lại những hệ luỵ khác như các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản...

Theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho nhân dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.

Do đó, lực lượng Công an cùng các ngành có liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tài chính, tiền tệ nói chung, hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.

Theo đó đã làm rõ và khởi tố 5.839 vụ, 10.885 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có 41 vụ giết người, hàng nghìn vụ cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản...

Tuy nhiên, hoạt động đấu tranh, phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc vì những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này.

Tại hội thảo, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu phải làm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng, trong đó, vai trò của ngân hàng, tổ chức tín dụng rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu vay chính đáng của người dân.

Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng cần kịp thời cung cấp thông tin, trao đổi với Công an địa phương để xem xét các hoạt động tín dụng phi chính thức ở địa phương để ngăn chặn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác trước hoạt động tín dụng kể cả người cho vay, người vay; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật trong hoạt động này...

Về phía mình, lực lượng Công an phải rà soát, chủ động nắm tình hình pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cảnh báo cho người dân biết thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, vay lãi suất cao để chiếm đoạt; kết hợp chặt chẽ giữa việc đấu tranh với tội phạm có tổ chức và tội phạm có hoạt động “tín dụng đen”...

Theo Tuổi trẻ