Tờ Thanh niên dẫn lời ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, sau 3 ngày (từ 3 - 5/4) kiểm tra quá trình khắc phục sau sự cố môi trường tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng các nhà khoa học đã có đánh giá sơ bộ sau kiểm tra.
Theo đó, đến nay Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm, còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Formosa cũng đã hoàn thành bổ sung hệ thống xử lý nước thải khu vực dập cốc ướt; bổ sung hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn tại bãi chứa phế liệu, bãi chứa quặng, than; bổ sung các hạng mục cải thiện đối với hệ thống xử lý nước thải sinh hóa, sinh hoạt và công nghiệp; lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc tự động nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa, xưởng xử lý nước thải sinh hoạt; lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc tự động tại các ống khói.
Cũng theo ông Thắng, đoàn công tác đánh giá Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành. Vì vậy, đoàn công tác đề nghị công ty này tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để đoàn công tác đánh giá tổng thể lại một lần nữa trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường và Thủ trướng Chính phủ chính thức cho phép Formosa đi vào hoạt động trở lại.
Trước đó, vào ngày 30/6/2016 Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Và kết luận những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.
Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp các bộ ngành đã nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.
Theo đó, Formosa cam kết:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
3. Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
4. Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân VN và bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN.