Ngoài ra, CEO Zuckerberg cũng phác thảo 9 bước mà Facebook đang tiến hành nhằm ngăn chặn các chính phủ sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này để can thiệp vào các cuộc bầu cử. Trong đó, biện pháp đáng chú ý là Facebook sẽ làm cho các quảng cáo chính trị trên mạng xã hội minh bạch hơn để người dân có thể biết quảng cáo nào có liên quan đến một cuộc bầu cử.
Facebook cũng nhất trí yêu cầu các nhà quảng cáo chính trị công bố danh tính những cá nhân chi tiền cho các quảng cáo, điều kiện hiện chỉ được áp dụng cho quảng cáo chính trị trên truyền hình mà không phải trên truyền thông xã hội.
Trang mạng xã hội này cũng sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các ủy ban bầu cử trên thế giới, cũng như xem xét hoạt động của các tài khoản Facebook bị xóa bỏ trước thềm cuộc bầu cử tại Đức sắp tới.
Trong khi đó, luật sư của Facebook Colin Stretch cho rằng giới chức chính phủ cần có được các thông tin cần thiết để có thể công bố một bản đánh giá đầy đủ về các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ 2016 cho công chúng. Ông khẳng định mạng xã hội này không tiết lộ nội dung một cách khinh suất trong bất kỳ hoàn cảnh nào, song Facebook muốn bảo vệ sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử Mỹ.
Hôm 15/9, công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách điều tra mối liên hệ giữa Nga và cuộc bầu cử Mỹ 2016, đã xin được lệnh truy xét các tài khoản Facebook mua quảng cáo chính trị trên mạng xã hội này vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trước đó, phía Facebook thừa nhận rằng đã bán các mẩu quảng cáo chính trị cho 470 tài khoản với giá khoảng 100.000 USD trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2017. Mặc dù số tiền này chỉ đủ để mua được khoảng 3.000 quảng cáo, song Facebook cho biết những tài khoản trên đã vi phạm các chính sách của hãng và đã bị khóa truy cập.
Facebook cũng khẳng định hầu hết các quảng cáo được những tài khoản trên mua lại không đề cập trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, việc bỏ phiếu hay ứng cử viên cụ thể nào.