Với các độc giả lâu năm của YouTube, hẳn nhiều người đã quen mặt với Destin Sandlin, một kỹ sư thử nghiệm phóng tên lửa đến từ Alabama, hiện đang nổi lên như một hiện tượng trên YouTube với kênh "Smarter Every Day”.
Nhờ kênh YouTube đầy tính khoa học của mình, Destin có thể tự hào khi có tới 2,8 triệu người đăng ký theo dõi các video có tính lan truyền nhanh như... virus, tiêu biểu có“The Backwards Brain Bicycle”, “A Baffling Balloon Behavior”,và một video đáng kinh ngạc về lượng người xem như“Slow Motion Flipping Cat Physics”.
Vào tháng 9, Sandlin cuối cùng đã tiến hành thực hiện một video anh từng muốn làm rất lâu trước đó. Anh cố định một camera tốc độ cao vào một chiếc máy xăm hình để nghi lại toàn bộ quá trình “kiến tạo nghệ thuật” của đầu kim nhỏ xíu trên làn da người. Những hình ảnh này tuy sẽ có thể gợi cảm giác đau đớn cho người xem nhưng không ai có thể phủ nhận sức hấp dẫn khó cưỡng của nó.
Sandlin cho biết,“Khi đang chỉnh sửa video, tôi có nói với cha tôi rằng đây chính là những thước phim để đời của mình”. Anh đã đúng. Kết quả là video với tiêu đề“TATTOOING Close Up (in Slow Motion)”đã thu về tới hơn 25 triệu lượt xem chỉ trong vòng 1 năm. Thành công này một phần rất lớn tới từ việc đoạn video kể trên đã được chia sẻ mạnh mẽ trên Facebook.
Cho đến thời điểm này, đây có vẻ rất giống một câu chuyện thành công nhờ YouTube điển hình. Nhưng đây thực chất lại là câu chuyện về một hình thức vi phạm bản quyền trực tuyến không khác gì “ăn cướp” đã và đang phát triển cực nhanh trên Facebook chỉ trong vài năm qua.
Hai ngày sau khi công bố đoạn video xăm hình, Sandlin đã nhận được tin nhắn từ một trong số những người đăng ký theo dõi anh trên YouTube. Người đó nói rằng anh ta đã thấy video của Sandlin ngay trên Facebook của mình. Hóa ra đoạn phim ghi lại quá trình xăm hình của Sandlin đã trở thành hiện tượng trên Facebook cách đó chưa lâu. Trên thực tế, đoạn video được lan truyền trên Facebook thậm chí còn nhanh hơn trên YouTube nhiều lần, với hơn 18 triệu lượt xem trong chỉ trong 2 ngày đầu tiên.
Facebook có lượng người dùng khổng lồ, và luôn là phương tiện truyền thông hiệu quả nhất.
Vấn đề là chính bản thân Sandlin chưa hề tự đăng tải video này lên Facebook, đơn giản đây chỉ là phiên bản được đưa lên Facebook bởi một người khác và may mắn xuất hiện trên News Feed của hàng triệu người dùng. Trước đó, một tạp chí “người lớn” của Anh mang tên Zoo đã download video này trên YouTube, sau đó chỉnh sửa nhằm loại bỏ các dấu hiệu riêng của Sandlin cùng kênh YouTube SmarterEveryDay của anh để đăng tải lên fanpage riêng của tạp chí này, sử dụng trình chạy video tích hợp sẵn của Facebook.
Từ đó, hàng triệu lượt xem và lượng người theo dõi mới gần như ngay lập tức tràn về fanpage của Zoo. Trong khi đó, “cha đẻ” của đoạn video, người đang cố gắng thu lợi nhuận nhằm ủng hộ quỹ đại học cho trẻ em, lại không được hưởng lợi gì. Công ty mẹ của tạp chí Zoo, Bauer Media, đã từ chối bình luận về chuyện này.
Trên thực tế, câu chuyện về Sandlin chỉ là một trong rất nhiều trường hợp gần đây từ những người làm video trực tuyến chuyên nghiệp. Một ngôi sao video khác trên YouTube, Grant Thompson của kênh The King of Random, cho biết ngày nào anh cũng nhận được email từ các người dùng khác báo cáo video của anh đang bị ăn cắp bản quyền trên Facebook. Trước đó, vào tháng 5, anh đã đăng tải một video lên YouTube về cách chế biến kẹo dẻo thành hình đồ chơi Lego, thu hút tới khoảng 600,000 lượt xem chỉ trong vòng 24 giờ.
Trong khi đó, một phiên bản bị cắt ghép của video này đã thu hút được gần 10 triệu lượt xem trên Facebook. Thompson chia sẻ, anh cảm thấy rất sốc khi thấy video của mình bị lan truyền như virus trên Facebook, thậm chí với tốc độ còn chóng mặt hơn cả video gốc của anh trên YouTube. Chính vấn nạn này khiến anh cảm thấy hoang mang khi đã dành tới hàng năm trời để sáng tạo ra những video này, và tự hỏi không biết liệu những tâm huyết của mình rồi sẽ đi về đâu.
Năm ngoái, trên kênh podcast Hello Internet của mình, nhà làm phim Úc Brady Haran đã sử dụng khái niệm “ăn cắp” để mô tả hành vi lấy video của ai đó trên YouTube và đăng tải lên một nền tảng khác vì lợi ích cá nhân mà chưa được phép. Ông còn nhận định, với trường hợp này, cụm từ “vi phạm bản quyền” là còn quá nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, Sandlin cũng đã góp phần phổ biến khái niệm này khi dành riêng một video trên kênh SmarterEveryDay của mìnhđể giải thích và kêu gọi các fan cùng hợp lực chống lại vấn nạn ngày một phức tạp này.
Tuy nhiên, hành vi “ăn cướp” trên Facebook lại không giúp người ta được hưởng lợi trực tiếp. Đó là bởi khác với YouTube, Facebook không chạy quảng cáo trên các video đăng tải trên trang. Đây cũng chính là một phần lý do tại sao các video dạng này lại “lây lan” nhanh như… cháy rừng. Mấu chốt nằm ở chỗ, chưa bàn tới tiền bạc, những người có hành vi này sẽ nhận được sự chú ý đông đảo của hàng triệu người dùng Facebook, thể hiện ở hàng trăm ngàn lượt like hay share. Nói cách khác, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, họ sẽ dễ dàng có được sự thu hút nhất định trong lĩnh vực truyền thông để “dọn đường” cho các kế hoạch cá nhân về sau.
Trước khi liên quan tới tiền bạc là vậy, còn khi Facebook trả tiền cho người đăng tải video thì sao?
Sự chú ý của người dùng chính là điều thể hiện được giá trị của một thương hiệu và các lĩnh vực truyền thông. Tuy nhiên, có vẻ như “chiến lợi phẩm” này vẫn chưa là gì so với các rủi ro về pháp lý có liên quan. Luật sư của Sandlin, ông Stephen Heninger, cho biết mặc dù rõ ràng đây là một hình thức vi phạm bản quyền không thể chối cãi, nhưng hiện nay những tiền lệ pháp lý thuộc khái niệm này vẫn còn hạn chế nên sẽ khá khó để có thể làm đúng luật.
Vậy tại sao người ta cứ liên tục “ăn cướp”? Tại sao đến một nghệ sĩ nổi tiếng như Tyrese Gibson, ca sĩ – diễn viên từng xuất hiện trong phim Fast & Furious 7, hiện đang khuấy động Facebook vì hành vi “đánh cắp chất xám” thường xuyên từ những người làm video chân chính? Có lẽ với riêng Tyrese, mục đích của anh đã quá rõ ràng khi chỉ chưa đầy 3 tháng sau đợt “tổng tấn công” Facebook bằng những video… của người khác và thu về hàng chục triệu lượt like cho fanpage cá nhân, anh đã lên kế hoạch truyền thông rầm rộ cho album nhạc mới ra mắt của mình.
Để có một cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, hãy quan sát kỹ cách thức hoạt động của video trên Facebook và các biện pháp của mạng xã hội này nhằm nỗ lực cạnh tranh với YouTube. Nếu như việc “chia sẻ video” chỉ đơn giản là người dùng Facebook đưa link một video YouTube lên trang cá nhân, thì sẽ chẳng ai có ý kiến. Vì điều này là hoàn toàn hợp lý khi gần như toàn bộ sự quan tâm của người dùng khác – như lượt xem, like và share – cùng với các lợi nhuận quảng cáo sẽ thuộc về người làm ra video đó. Đây cũng là cách hoạt động mẫu mực của một hệ thống mạng.
Facebook có lẽ cần cân nhắc trước khi trả tiền cho video người dùng tải lên.
Thế nhưng mọi thứ hiện nay lại không vận hành theo quy luật đơn giản này. Đó là vì giờ Facebook đã không còn muốn chỉ là nơi để người dùng chia sẻ các nội dung từ nơi khác trên Internet. Nó muốn trở thành nơi người dùng trực tiếp tạo ra và lưu trữ các nội dung sáng tạo của chính họ và như vậy, lợi nhuận quảng cáo sẽ trực tiếp chảy vào túi “gã khổng lồ” mạng xã hội này.
Kết quả là, cuối cùng Facebook cũng đã xây dựng nền tảng video của riêng mình, và dành riêng lợi thế sân nhà mang tính chiến lược cho video trên News Feed, đồng nghĩa với việc giao diện video đăng tải trực tiếp lên Facebook sẽ có kích thước hiển thị tối đa. Mặt khác, kích thước của video được người dùng chia sẻ qua link YouTube lại chỉ tồn tại khiêm tốn dưới dạng một hình thumbnail nhỏ cùng nút Play quen thuộc.
Trong khi các đường dẫn tới video trên YouTube có thể khiến người dùng e ngại vì hàng tấn pop-up quảng cáo luôn chực chờ, người sử dụng Facebook hoàn toàn có thể trực tiếp đăng tải video lên trang cá nhân, yên chí rằng video này sẽ xuất hiện với kích thước to đẹp và tự động chạy mỗi khi có người lướt qua, thậm chí còn xuất hiện trên cả những News Feed của bạn bè. Rất nhiều minh chứng trong thực tế cùng hướng dẫn từ chính Facebook cho thấy, việc triển khai nền tảng video trực tiếp trên Facebook sẽ giúp thu về nhiều kết quả khả quan hơn bất cứ một hình thức chia sẻ đường link từ bên ngoài nào.
Đường link từ YouTube không được Facebook tối ưu hóa hình ảnh hiển thị.
Quyết định này của Facebook đã mang lại kết quả hết sức tuyệt vời. Vào tháng 9, mạng xã hội này thông báo mỗi ngày có tới 1 tỷ video được xem trên Facebook. Chỉ sau đó khoảng nửa năm, con số này đã tăng gấp 4 lần với 4 tỷ lượt xem mỗi ngày. Chưa hết, theo một báo cáo chuyên sâu trên tạp chí Fortune vào tháng 6, lượt xem video của các hãng thông tấn lớn như BuzzFeed đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái kể từ khi hãng này quyết định chuyển ngạch video lên fanpage thay vì đăng tải lên kênh YouTube riêng của hãng.
Tuy nhiên, thực chất không thể đánh đồng lượng người xem video trên Facebook và Youtube bởi không giống như YouTube, video trên Facebook sẽ tự động chạy mỗi khi hiển thị trên trình duyệt của người dùng, cho dù họ có bấm vào video đó hay không. Dù sao đi nữa, rõ ràng tương lai của YouTube đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo thống kê, vào đầu năm 2014, chỉ ¼ lượng video trên Facebook là do người dùng đăng tải trực tiếp lên trang cá nhân, trong khi ¾ còn lại là đường dẫn từ các trang khác, chủ yếu là YouTube. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, 70% lượng video đều được lưu trữ trực tiếp trên Facebook.
Vậy điều này liên quan gì đến việc “ăn cắp” video? Hãy thử tưởng tượng, bạn đang xem một video trên YouTube và muốn chia sẻ nó trên Facebook. Bạn có thể làm điều đúng đắn bằng cách chia sẻ liên kết YouTube lên trang cá nhân, nhưng phương án này lại không hoàn toàn tối ưu khi chưa chắc nhiều bạn bè hoặc người theo dõi của bạn sẽ nhìn thấy nó. Hoặc phương án 2, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tính năng đăng tải video trên Facebook để upload lại chính video đó. Giờ thì bạn chỉ cần thích thú ngồi đếm lượt like và share đang tăng vùn vụt.
Hai từ "ăn cắp" có quá nặng nề?
Như một thông lệ, khi các dữ liệu thuật toán mới xuất hiện trên News Feed, người ta sẽ ngầm hiểu đây là dấu hiệu cho một thay đổi mới trong hướng phát triển Facebook nhằm thu về nhiều lợi nhuận hơn. Sandlin cũng bày tỏ quan điểm về việc này, anh không muốn “chụp mũ” rằng Facebook đang tích cực thiết kế thuật toán mới để ăn cắp tiền từ các cá nhân như anh. Nhưng hiện tại, anh gần như chắc chắn mục đích của việc này là tiền, tiền, và nhiều tiền hơn nữa.
Cả Sandlin và Thompson đều chia sẻ, họ đã liên hệ trực tiếp tới Facebook mỗi lần phát hiện trường hợp “ăn cắp” video đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời yêu cầu Facebook gỡ những video này xuống. Facebook thường sẽ nghiêm túc tuân thủ, nhưng bởi sự lan truyền quá nhanh của cộng đồng mạng, động thái “xuống nước” của Facebook thường không tỏ ra hiệu quả.“Về cơ bản, nó sẽ vĩnh viễn tồn tại trên Internet”, Sandlin cay đắng nói.
Ngược lại, YouTube hiện giờ đã có một phần mềm tinh vi nhằm xác định nội dung đã đóng dấu bản quyền ngay sau khi đăng tải. Tùy thuộc vào loại nội dung, hệ thống ID của YouTube sẽ cung cấp cho chủ sở hữu quyền tác giả của video rất nhiều tùy chọn để kiếm tiền từ video, tự động chặn các video vi phạm hoặc cho phép người ngoài sử dụng video đồng thời vẫn theo dõi hiệu quả của nó.
Facebook chưa thể có hệ thống kiểm duyệt bản quyền như YouTube.
Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Một số nhà phê bình cho rằng việc này giống như đặt vào tay chủ sở hữu quyền tác giả quá nhiều quyền lực chỉ để chặn video có thể thuộc diện “sử dụng hợp lý” (tức những video được bảo vệ bản quyền có thể được tái sử dụng hợp pháp trong một số trường hợp nhất định mà không phải xin phép chủ sở hữu bản quyền). Thế nhưng những người dùng YouTube thực tế như Sandlin và Thompson lại rất hoan nghênh sự xuất hiện của biện pháp mới này, cho rằng đây chính là cách giúp họ hoạt động hệ thống video của mình một cách ít bất lợi nhất.
Bên cạnh đó, Facebook cũng đang vướng vào nhiều vụ việc mất quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng. Để khắc phục, Facebook quyết định sử dụng hệ thống Audible Magic nhằm xác định video có bản quyền, hứa hẹn sẽ “mạnh tay” đình chỉ các tài khoản nhiều lần vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Một đại diện của Facebook cho biết,“Bởi video đang không ngừng thu hút sự chú ý trên Facebook, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp hơn nữa để giúp những người sở hữu trí tuệ xác định quyền sở hữu và quản lý các nội dung bị cho là vi phạm, hiện đang là những video rất phù hợp với nền tảng và hệ sinh thái độc đáo của chúng tôi. Đây là một thách thức về kỹ thuật khá lớn nhưng chúng tôi đã có một đội ngũ giải quyết vấn đề này, hy vọng sẽ có nhiều điều để chia sẻ vào mùa hè tới.”
Facebook là nơi hội tụ những nội dung đa dạng trên Internet.
Sandlin cho hay, hiện tại anh đang nắm trong tay hàng chục bằng chứng cho việc bị ăn cắp video trên Facebook. Anh cũng không tình với quan điểm cho rằng việc thực thi quyền tác giả đem đến “thách thức về kỹ thuật” cho Facebook. Sandlin giải thích, điều này là không hợp lý bởi Facebook đang là những người tiên phong trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên nền tảng xã hội quy mô lớn.
Nếu đây là sự thật, có lẽ kỷ nguyên của việc “xài chùa” video đang lan tràn trên Facebook sẽ mau chóng kết thúc. Dường như đây chỉ là một giai đoạn phát triển cần có cho các nền tảng video trực tuyến: bước đầu tập trung phát triển, sau đó mới xét tới các căn cứ pháp lý. Không ít người đã tiên đoán được việc kinh doanh bị gián đoạn của YouTube bởi một gương mặt “mới nổi” có lối chơi nhanh hơn và… phóng khoáng hơn khi bàn đến việc thực thi quyền tác giả. Trong khi đó, những kẻ “xài chùa” đang ngày càng tạo cơ hội cho Facebook trở thành điểm đến lý tưởng cho video trực tuyến. Tuy nhiên, sẽ không thể tìm kiếm video trên Facebook bằng cách gõ từ khóa như YouTube, trừ khi vô tình xuất hiện trên News Feed của người dùng.
Vào tuần trước, Facebook đã tuyên bố sẽ bắt đầu chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo với những người tạo video trên trang. Có vẻ như chương trình chia sẻ doanh thu của Facebook sẽ không “hào phóng” như YouTube, bởi nó sẽ chỉ chạy một quảng cáo duy nhất trên nhiều video rồi chia lợi nhuận từ đó cho các tác giả. Tuy nhiên, Facebook hứa hẹn sẽ bù đắp cho việc đó bằng cách tạo cơ hội cho những video này tiếp cận tới lượng độc giả lớn hơn nhiều so với YouTube.
Sandlin cho biết, trong tương lai, anh vẫn sẽ cân nhắc việc đăng video lên Facebook nếu trang này chịu thay đổi các điều khoản dịch vụ để bảo vệ tài sản trí tuệ của người dùng tốt hơn. Tuy nhiên, anh cũng khá lo lắng về tính bền vững của việc kinh doanh qua video trên Facebook, bởi mạng xã hội này luôn có xu hướng "lăng xê" một hiện tượng video trong thời gian ngắn rồi... thôi, do đó không thể đảm bảo được giá trị xem lâu dài của mỗi video. Ngoài ra, ở thời điểm này, anh vẫn đang cảm thấy vô cùng bức xúc và nhận định, Facebook không phải một nền tảng sáng tạo thân thiện, đây thậm chí còn là nơi cạnh tranh "sứt đầu mẻ trán" đầy tính thù địch.
Theo Tri thức trẻ/Slate