Theo báo cáo của Trung tâm Luật liên ngành và Công nghệ máy tính Bỉ (CRI), Khoa mật mã Công nghiệp và An ninh máy tính (Cosic) Đại học Leuven và Khoa Viễn thông, Thông tin, Truyền thông (Smit) Đại học Vrije ở Brussels chuyển đến Ủy ban Quyền riêng tư Vương quốc Bỉ (BPC), người dùng bị theo dõi khi sử dụng nút "Like" vốn được đặt trên hơn 13 triệu trang web bao gồm cả các trang của chính quyền và y tế.
Facebook sử dụng các cookie để theo dõi người dùng mỗi khi họ truy cập bất cứ trang nào trên Facebook.com, bao gồm các fanpage hay các trang không đòi hỏi phải có tài khoản Facebook. Khi một người dùng vào trang bên thứ 3 có chứa một trong các plug-in xã hội của Facebook, tức thì công cụ này sẽ theo dõi và gửi cookie về cho Facebook - cho dù người dùng không nhấn nút "Like", không đăng nhập mạng xã hội.
Theo Luật Bảo vệ quyền riêng tư của EU, người dùng phải đồng ý trước khi cookie được tạo và sử dụng để thu thập thông tin. Luật cũng yêu cầu các trang web phải lưu ý người dùng khi họ truy cập lần đầu vào một trang có sử dụng cookie.
Cookie là một file nhỏ được trang web tạo trên máy tính người dùng để lưu giữ thông tin cài đặt, những hoạt động trước đó và một lượng nhỏ thông tin mà trang web cần đến.
Cụ thể là, cookie được tạo ra trên trang web mỗi khi người dùng truy cập để nhận dạng máy tính và theo dõi các hoạt động trên web.
Chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook mới được cập nhật vào tháng 1/2015 cho biết: "Chúng tôi thu thập thông tin khi bạn viếng thăm hay sử dụng các trang web của bên thứ 3 và các ứng dụng sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Điều này bao gồm thông tin về trang web và các ứng dụng mà bạn truy cập cũng như thông tin mà nhà phát triển ứng dụng hay trang web cung cấp cho bạn hay cho chúng tôi".
Theo đó, Facebook sẽ sử dụng cookie ngay khi người dùng không có tài khoản trang mạng xã hội hay đã đăng xuất khỏi nó để "cho phép chúng tôi chọn lọc, đánh giá và hiểu rõ các ứng dụng".
Theo mặc định, Facebook theo dõi người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo trên khắp các trang có plug-in của Facebook và sử dụng cookie gọi là "datr" để theo dõi đối tượng người dùng EU không có tài khoản mạng xã hội này.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích cơ chế từ chối quảng cáo của Facebook và nhiều công ty khác bao gồm Google và Microsoft.
Người dùng chọn từ chối hành vi theo dõi sẽ được hướng đến trang web của các Liên minh Quảng cáo Số (DAA) ở Mỹ, Canada và EU - các tổ chức độc lập phi lợi nhuận cho phép thiết lập bảo vệ người dùng không bị theo dõi từ 100 công ty - để được thiết lập tùy chọn.
Nhưng, các nhà nghiên cứu phát hiện khi người dùng chọn cơ chế từ chối quảng cáo thì Facebook tạo ra "cookie theo dõi mới" trên máy tính chưa từng bị theo dõi trước đó! Gunes Acar - chuyên gia ở Cosic Đại học Leuven và thành viên của nhóm nhà nghiên cứu lập báo cáo - giải thích: "Nếu người dùng vốn không bị Facebook theo dõi trước đó, sử dụng công cụ từ chối theo dõi vì mục đích quảng cáo thì mạng xã hội vẫn tạo ra cookie để theo dõi người này trong suốt 2 năm".
Phát hiện vi phạm của Facebook cũng được xác nhận bởi Steven Englehardt, nhà nghiên cứu máy tính Đại học Princeton của Mỹ không nằm trong nhóm nghiên cứu.
Hiện nay, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Hà Lan (DPA) đang điều tra vụ việc và yêu cầu Facebook tạm ngưng sử dụng chính sách mới. Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook tuyên bố chính sách mới của công ty phù hợp với luật pháp EU.
|
Trụ sở Facebook ở Công viên Nghiên cứu Stanford, thành phố Palo Alto miền tây bang California. |
Đây không phải lần đầu tiên Facebook bị kiện cáo liên quan đến chính sách người dùng của họ. Năm 2014, luật sư Maximilian Schrems của Áo đã kiện Facebook lên Tòa án Tối cao nước này về các vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân người dùng trực tuyến của mạng xã hội.
Từ lúc luật sư Schrems kêu gọi người dùng ủng hộ vào tháng 8/2014, trên 7.000 người dùng trong một ngày từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đã ký tên ủng hộ cuộc chiến pháp lý này.
Luật sư Schrems nói rằng: "Số người tham gia trong thời gian ngắn như thế đã vượt quá mong đợi của tôi. Nếu thành công, dĩ nhiên vụ kiện sẽ có tác động tích cực đến quyền riêng tư của tất cả người dùng".
Nước Đức dẫn đầu danh sách ủng hộ với 5.287 người dùng Facebook ký tên, trong khi ở Anh có 944 người dùng và chỉ có hơn 100 người dùng ở Ireland.
Tuyệt đại đa số người dùng ở châu Âu. Max Schrems cho rằng Facebook đã vi phạm luật pháp châu Âu khi chuyển giao dữ liệu cá nhân người dùng đến cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong chiến dịch gián điệp PRISM.
Ông Schrems cho biết, mỗi người dùng thiệt hại khoảng 500 euro do Facebook vi phạm luật bảo vệ dữ liệu nên cần được mạng xã hội này bồi thường.
Ngoài ra, Schrems cũng đưa vụ kiện đến Tòa án châu Âu, và ông đã thành lập chiến dịch gọi là "Europe vs Facebook" (Châu Âu chống Facebook) và đến tháng 2/2015 đã thụ lý 2 vụ kiện liên quan đến mạng xã hội.
Facebook do Mark Zuckerberg sáng lập năm 2004 và hiện nay đã có hơn 1,3 tỉ thành viên tích cực trên khắp thế giới. Với con số thành viên khổng lồ này, Facebook được coi là mạng xã hội được ưa chuộng nhất thế giới và đứng sau nó là MySpace và Twitter.
Theo: Công an Nhân dân