Chia cổ tức tổng tỷ lệ 15%
Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance), công ty này sẽ trình cổ đông các phương án chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để chia cổ tức các năm 2017, 2018 và lợi nhuận lũy kế. Mục tiêu hướng tới của các phương án này là giúp EVNFinance thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong đó, EVNFinance cho biết lợi nhuận phân phối năm 2018 đạt 203,57 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận năm 2018 đạt 162,4 tỷ đồng. Kết hợp với lợi nhuận còn lại từ các năm trước là 219,748 tỷ đồng, công ty này hiện có “dư địa” là 382,148 tỷ đồng để thực hiện chi trả cổ tức.
Cụ thể, công ty này dự kiến thực hiện trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 6% thông qua việc phát hành 15 triệu cổ phần. Phương án này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt.
Đối với năm 2018, EVNFinance dự kiến sẽ thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ 9%, trong đó, 6,3% từ nguồn lợi nhuận năm 2018 và 2,7% từ nguồn lợi nhuận lũy kế từ các năm trước.
Tuy nhiên, hình thức chi trả cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu cho năm 2018 vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của NHNN. Trong trường hợp được chi trả bằng cổ phiếu, EVNFinance dự kiến sẽ phát hành thêm 22,5 triệu cổ phần trong năm 2019.
Như vậy, nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong 2 năm 2017 và 2018, quy mô vốn điều lệ của EVNFinance sẽ tăng khoảng 375 tỷ đồng, đạt mức 2.875 tỷ đồng.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên HĐQT EVNFinance trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ. Trước đó, vào tháng 12/2018, công ty này đã thực hiện xin ý kiển cổ đông bằng văn bản về vấn đề này nhưng kết quả không mấy khả quan.
“Xoay” phương án tăng vốn
Mối quan tâm mới của bà Mai “Mesa” |
Cuối năm 2018, công ty này đã trình cổ đông xem xét thông qua phương án chào bán riêng lẻ 37,5 triệu cổ phần (tương đương với 15% vốn điều lệ) cho tối đa 3 nhà đầu tư tổ chức.
Đi kèm với đó là quy định mỗi nhà đầu tư và người có liên quan được chào bán sở hữu không quá 10% vốn điều lệ của EVNFinance. Các cổ đông này sẽ không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình trong thời gian tối thiếu 3 năm kể từ ngày nhà đầu tư lần đầu tiên trở thành cổ đông EVNFinance theo quy định.
Bên cạnh đó, HĐQT EVNFinance cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tương tự nội dung sẽ trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Lý giải về nhu cầu tăng vốn, EVNFinance cho biết hoạt động này nhằm đáp ứng lộ trình, kế hoạch tăng vốn theo yêu cầu của NHNN. Dự kiến đến năm 2019, EVNFinance sẽ cần phải tăng quy mô vốn điều lệ thêm 21%, lên mức 3.025 tỷ đồng.
Công ty cũng cho biết việc tăng vốn sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, hướng tới tăng trưởng quy mô, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc gia tăng quy mô vốn sẽ giúp công ty này triển khai đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù có nhiều lý do cho thấy việc tăng vốn là cần thiết, kết quả xin ý kiến bằng văn bản đã phần nào phản ánh việc các cổ đông tại EVNFinance không mấy “mặn mà” với phương án tăng vốn đã đưa ra.
Cụ thể, kết quả kiểm phiếu cho thấy, EVNFinance đã gửi tới 55.149 phiếu, đại diện cho 250 triệu cổ phần, tương đương 100% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, công ty chỉ thu về 1.596 phiếu, trong số đó, chỉ có 1.320 phiếu, tương đương 42,708% cổ phần là hợp lệ.
Với tỷ lệ tán thành khá thấp, chỉ từ 25,2 - 25,4%, cũng đồng nghĩa với việc các nội dung này đã không được cổ đông thông qua bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 sắp tới, phương án tăng vốn của EVNFinance đã có sự thay đổi đáng chú ý khi HĐQT thực hiện “rút” phương án phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức và thay thế bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả bỏ phiếu tích cực hơn, tạo điều kiện để EVNFinance có thể thực hiện mục tiêu tăng vốn sau nhiều năm hoạt động.
Ngoài ra, năm 2019, EVNFinance cũng lên kế hoạch quy mô tài sản đạt mức 20.100 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 15.100 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 280,5 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên lần này, EVNFinance sẽ trình cổ đông thông qua một số sửa đổi, bổ sung điều lệ; mức thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát cho năm 2019./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu