Trả lời báo báo chí, ông Tuấn cho biết ERAV đang chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện cơ sở cho năm 2015 với các thông số và phương án cụ thể. Trên cơ sở phương án giá điện cơ sở do Bộ Công thương phê duyệt, trong năm 2015, nếu các yếu tố đầu vào (như giá khí, than, tỷ giá, cơ cấu sản lượng các loại nguồn điện...) tăng thì sẽ đề xuất tăng giá điện.
Nếu giá dầu giảm, dẫn tới giá khí giảm mạnh, giúp giảm giá thành điện thì chắc chắn sẽ phải tính đến phương án giảm giá điện.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào hôm 13/1, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN nêu việc xử lý khoản lỗ gần 17.000 tỷ đồng trong năm 2015 là thách thức lớn.
Do vậy, EVN kiến nghị Bộ Công thương bổ sung các chi phí như tăng giá khí, tăng thuế tài nguyên… vào giá điện năm 2015.
Theo EVN, năm 2015 dự kiến đầu tư xây dựng khoảng 127.533 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2014. Riêng về trả nợ gốc và lãi vay, theo kế hoạch, tập đoàn này tăng trả nợ so với năm ngoái là hơn 500 tỷ đồng, lên 30.873 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận của toàn tập đoàn, trong kế hoạch, EVN không đặt ra con số cụ thể.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 nêu rõ công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ bằng 0,2%.
Trước đó, tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 vào ngày 30/12/2014 do Bộ Công thương và EVN tổ chức, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, trong năm 2014 dù không tăng giá điện nhưng một loạt chi phí vẫn đang “treo” ở đó.
Với thực tế đó, EVN sẽ có hai lựa chọn, hoặc đề xuất tăng giá điện, hoặc kiến nghị Chính phủ một số cơ chế.
Tuy nhiên, theo ông Tri, EVN sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế, thay vì đề xuất tăng giá điện ngay.
Cụ thể, đối với khoản 8.800 tỷ lỗ do chênh lệch tỷ giá, theo quy định của Chính phủ thì khoản này phải phân bổ xong vào năm 2015, nhưng EVN sẽ xin cho hoãn tiếp một thời gian vì đây chỉ là chế độ kế toán.
Cùng với đó, một số chi phí thanh toán cho Petro Vietnam do giá khí tăng cũng xin chậm lại.
Khoảng trung tuần tháng 9/2014, Văn phòng Chính phủ đã có công văn tới Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) được cấp tín dụng vượt các giới hạn vốn tự có đối với hai công ty con thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.
Bên được cấp tín dụng vượt các giới hạn vốn tự có từ VietinBank bao gồm Tổng công ty Điện lực miền Bắc và người liên quan, CTCP Cơ khí Điện lực và người liên quan.
Theo số liệu thống kê hồi cuối năm 2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN là 144.000 tỷ đồng. Hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng.
Theo Báo Đất Việt