Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 315 triệu USD, Bộ trưởng Thăng giải thích gì?

Theo Bộ trưởng Thăng, do trượt giá và nhiều nguyên nhân khác, mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã đội vốn thêm 315 triệu USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 3.11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trả lời một số câu hỏi do các đại biểu quốc hội đặt ra.

7 lý do đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn

Trước đề nghị của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Thăng đã giải trình trước Quốc hội về lý do đội vốn dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Theo Bộ trưởng Thăng, Bộ GTVT phê duyệt dự án này từ năm 2008 với tổng mức đầu tư 8.769 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay sau khi tính toán điều chỉnh lại cũng như trượt giá và rất nhiều nguyên nhân thì vốn đầu tư tăng thêm hơn 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Nguyên nhân được đưa ra là: Thứ nhất, thay đổi độ cao nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng vì không giải phóng được mặt bằng nên phải tăng chiều cao, bớt chiều rộng.

Thứ hai là bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu đề pô. Thứ ba là bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6. Thứ tư là điều chỉnh vật liệu vỏ tàu thành vỏ thép inox bởi nếu không điều chỉnh thì lại phải làm một nhà máy chỉ để chuyên sơn vỏ tàu.

Thứ năm là bổ sung chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ. Thứ sáu là thay đổi vị trí bãi đúc dầm. Thứ bảy là công tác nghiệm thu thiết bị vận hành đoàn tàu, chi phí giải phóng mặt bằng, trượt giá vật liệu....

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng báo cáo Quốc hội: Theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 dự án phải hoàn thành đưa vào khai thác.

Nơi dư cũng phải giải trình

Tại báo cáo của Chính phủ, tổng mức vốn đã được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 64.294 tỉ đồng.

Đến nay, sau khi rà soát lại, do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn 50.035 tỉ đồng.

Như vậy, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.259 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng Thăng, với sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội và Chính phủ, dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ1A đã hoàn thành trước thời hạn 1 năm và đường Hồ Chí Minh qua đoạn qua Tây Nguyên hoàn thành trước thời hạn 1 năm rưỡi. Và đây là nguyên nhân chính khiến giảm vốn so với dự kiến ban đầu.

Trước ý kiến nghi vấn việc số dư này là do lập tổng mức đầu tư vống lên, Bộ trưởng Thăng khẳng định: "Việc lập tổng mức đầu tư, lập dự toán theo quy định của Luật Xây dựng cùng nhiều thông tư hướng dẫn của Chính phủ. Tất cả các dự toán này đều đã được viện kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm định trước khi Bộ GTVT phê duyệt".

Theo Bộ trưởng, trong tổng số dư hơn 14.000 tỉ đồng có giảm 4.485 tỉ đồng do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, giảm 1.070 tỉ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu mà Chính phủ cho phép; giảm 686 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng do công tác này được trực tiếp lãnh đạo các địa phương và nhân dân vùng dự án vào cuộc.

Giảm 6.290 tỉ đồng do rút ngắn thời gian thi công. Việc giảm này gồm chi phí dự phòng, trượt giá, theo quy định còn 26% trong đó 10% dự phòng khối lượng được xác định trong thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, 16% dự phòng trượt giá được xác định theo thời gian thi công là dự kiến 3 năm.

Giảm 1.728 tỉ đồng do trong quá trình triển khai Bộ GTVT đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các khâu thiết kế, dự toán biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh tế và giá thành công trình, điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với thực tế.…

Theo MTG