Theo tờ Tuổi Trẻ Online, sáng nay, 11/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, cùng trú tại tỉnh Thái Bình về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi, ở TP.Thái Bình) được xác định là người làm chứng. Tuy nhiên, người này đã vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Trong phiên xét xử phúc thẩm sáng nay, Đường "Nhuệ" được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đáng nói, tại tòa, Đường Nhuệ được bố trí ngồi trong một phòng riêng, có camera ghi hình để trả lời qua màn hình tivi tại tòa.
Năm 2017 ông Nguyễn Văn Lẫm và vợ là bà Phạm Thị Quyết vay của Đường Nhuệ số tiền 1,7 tỉ đồng. Ngày 3/10/2017, khi vợ chồng ông Lẫm và bà Quyết đi vắng, Nguyễn Xuân Đường cho người đến chiếm đóng trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết đến ngày 19/10/2017. Trong thời gian đó, Đường Nhuệ liên tục gọi điện đe dọa vợ chồng ông Lẫm và yêu cầu phải định giá công ty để bán lại cho mình.
Hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết tại tòa. Ảnh: Kiến Thức
|
Ngày 16/10/2017, gia đình ông Lẫm gửi đơn tố cáo Đường Nhuệ về hành vi tổ chức chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa giết người. Tuy nhiên, đến ngày 29/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình ra thông báo số 12 về việc không khởi tố vụ án hình sự, đối với nội dung tố cáo của ông Lẫm, bà Quyết với lý do không có căn cứ xác định Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết.
Đến ngày 16/4/2018, ông Lẫm và bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo tờ Kiến Thức, bản cáo trạng được Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình ban hành vào ngày 31/12/2018 xác định: vào ngày 23/1/2013, ông Lẫm và vợ vay của ông Đỗ Văn Tới (SN 1956) và bà Lê Thị Tuyết (SN 1966), cùng trú số nhà 216 Hùng Vương (TP.Thái Bình) 400 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh đồ gỗ. Hai bên có ký hợp đồng vay vốn, tài sản thế chấp trong hợp đồng là chiếc xe Toyota Camry 2.0E, biển kiểm soát 17K 9966, thời hạn trả gốc là 28/6/2013 âm lịch.
Ngày 20/1/2016, ông bà Lẫm, Quyết tiếp tục đến vay ông Tới 500 triệu đồng, có lập hợp đồng. Thế chấp cho khoản vay này và khoản vay ngày 23/1/2013 vẫn là chiếc xe ô tô Camry nêu trên.
Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra vào tháng 6/2019, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù và Phạm Thị Quyết 13 năm tù cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".Tại phiên tòa và cho đến nay, vợ chồng ông Lẫm bà Quyết và gia đình liên tục có đơn kêu oan, gửi đến các cơ quan chức năng.
Sáng 11/5, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đề nghị triệu tập thêm ông Cao Giang Nam - từng là phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình, cùng một số điều tra viên phụ trách điều tra vụ án đến tòa để đối chất, làm rõ một số nội dung.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết trong quá trình xét xử nếu xét thấy cần thiết sẽ tiến hành triệu tập sau.
Liên quan đến Đường Nhuệ, người này bị bắt giam và khởi tố nhiều tội danh vì các hoạt động phi pháp. Đáng nói, sau khi bị bắt, đã có hàng loạt đơn thư tố cáo tội ác của Đường Nhuệ và đồng bọn được gửi đến cơ quan chức năng.
Sự việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, được sự chỉ đạo từ lãnh đạo Trung ương và lãnh tỉnh Thái Bình yêu cầu điều tra, làm rõ.