Đường làm nhanh, rẻ nhờ Chính phủ vào cuộc

Không chỉ hoàn thành đúng và vượt tiến độ, tổng vốn trái phiếu Chính phủ của 2 dự án giao thông lớn còn dư hơn 14.000 tỉ đồng.
Dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 1 hoàn thành đúng và vượt tiến độ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương
Dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 1 hoàn thành đúng và vượt tiến độ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương

Đa số ý kiến cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 2 dự án này đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Các ý kiến cũng thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP được QH quyết định hoặc các dự án trên tuyến Quốc lộ 1 cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường này. Tuy nhiên, Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình QH xem xét, quyết định.

Về vấn đề này, trả lời báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết việc cắt giảm được chi phí là do nhiều yếu tố; trong đó có yếu tố thi công nhanh, bảo đảm chất lượng mang tính quyết định, khiến chi phí dự phòng trượt giá giảm.

Để thi công nhanh thì yếu tố giải phóng mặt bằng (GPMB) là quan trọng nhất. Điều này thì chỉ mình Bộ GTVT không làm được mà phải nhờ sự tích cực của lãnh đạo Chính phủ và nhiều địa phương. “Trực tiếp 3 Phó Thủ tướng chỉ đạo 2 dự án là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc GPMB, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách công tác tài chính, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phụ trách việc thi công, triển khai dự án nên đạt được kết quả tốt” - ông Đinh La Thăng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc 2 dự án đưa sớm vào sử dụng không chỉ tiết kiệm trên 14.000 tỉ đồng mà góp phần vào giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, tốc độ xe được nhanh hơn góp phần lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân thuận tiện hơn.

Theo NLĐ