Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử hình?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết: “Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm Bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì sẽ có Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết".
Dương Chí Dũng có cơ hội thoát án tử hình?

Sáng 27/2, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Trong đó có quy định “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc, trả lời câu hỏi: “Với trường hợp bị kết án tử hình trước thời điểm 1/7/2016 (thời điểm Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực) như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo… nếu nộp lại 3/4 số tiền tham ô thì có được áp dụng quy định này không?", ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Theo báo cáo hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng, chúng ta thường chỉ thu hồi được từ 10 đến 30%, năm nay nhiều nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra. Trong một thời gian khá dài, tỷ lệ này rất thấp, chỉ trên dưới 10%. Vì vậy, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định việc phục hồi thiệt hại cho nhà nước thì có thể được xem xét về hình phạt.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết: “Bộ luật Hình sự không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm Bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì sẽ có Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết những vấn đề quá độ.”

Điểm e, khoản 1, Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự vừa thông qua sáng nay (ngay sau khi thông qua Bộ luật Hình sự), quy định như sau:

Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Toà án, thì không được căn cứ vào việc Bộ luật hình sự này không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị.

Nghị quyết cũng nêu rõ, trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết;

Nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự này để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.

Theo Vnmedia