"Dừng xe đèn đỏ thậm chí bị gọi là thằng hâm!"

VietTimes -- Điều vô cùng nguy hiểm ở nước ta hiện nay là, việc không tuân thủ pháp luật lắm khi được coi là việc rất bình thường. Thậm chí người chấp hành pháp luật như dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát thì bị gọi là thằng hâm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường: "việc không tuân thủ pháp luật lắm khi được coi là việc rất bình thường".
Ông Nguyễn Mạnh Cường: "việc không tuân thủ pháp luật lắm khi được coi là việc rất bình thường".

Ông Nguyễn Mạnh Cường Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH đã nói như vậy tại diễn đàn QH ngày 29/3.

Đừng ra luật kiểu bắt ô tô con phải có bình chữa cháy

Khi nói đến tình trạng vi phạm luật lệ giao thông một số người thường nói “dân mình kém ý thức”. Vậy ý thức chấp hành pháp luật kém có phải là bản chất của người Việt hay không? Hãy nhìn xem cũng là người Việt nhưng khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật về giao thông, về vệ sinh rất nghiêm túc. Nhưng khi quay về Việt Nam họ lại vi phạm. Ngược lại, nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam một thời gian họ cũng có những vi phạm giống hệt người Việt Nam chúng ta.

Rõ ràng ở đây không chỉ có lỗi của người vi phạm mà còn có nguyên nhân rất quan trọng đó là bất cập, yếu kém trong vấn đề quản lý nhà nước. Tôi cho rằng cần phân tích sâu hơn vấn đề này để có giải pháp khắc phục. Nếu chỉ có tuyên truyền, treo pano, dán áp phích thì không đủ. Cần có giải pháp đồng bộ từ ban hành phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật cho đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về pháp luật, cần đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, khi ban hành pháp luật quy định cấm đi bộ dưới lòng đường thì phải có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè. Cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng.v.v... Hình thức xử phạt phải nghiêm minh có tính răn đe cao, nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn và mức độ vi phạm, đừng ban hành những nghị định kiểu như quy định khi người dân chỉ quên gạt chân chống xe máy cũng có thể bị phạt đến vài triệu đồng và tước giấy phép lái xe hoặc ban hành thông tư bắt buộc xe ô tô con phải có bình chữa cháy.v.v..quy định không hợp lý sẽ khó đi vào thực tiễn và làm mất quyền uy của văn bản pháp luật.

Đừng để kiểm lâm có súng mà không dám bắn lâm tặc

Về tổ chức thực hiện vi phạm pháp luật mà không xử lý thì pháp luật sẽ nhờn, phải cương quyết xử lý mặc dù có thể có những phản ứng tức thì của một bộ phận người quá khích chống đối, không để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng nhưng phạt cho tồn tại, hàng giả nhưng không bị tiêu hủy, xả rác bừa bãi nơi công cộng không bị xử lý. Đừng để kẻ côn đồ không đội ngũ bảo hiểm đi ngược chiều ngang nhiên vượt đèn đỏ không bị xử phạt còn người hiền lành chỉ cần lấn làn đường là bị xử phạt nặng, vi phạm giao thông nhưng không truy đuổi vì lý do an toàn nhưng cũng không truy tìm để xử phạt thì sẽ càng khuyến khích những hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Việc xử lý phải đảm bảo công khai, công bằng giữa người dân cũng như cán bộ công chức. Việc chấp hành pháp luật phải được tuân thủ không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà trong cả chấp hành kỳ luật lao động, kỷ cương, kỷ luật công vụ. Trước hết, phải xử lý nghiêm cán bộ công chức có ý thức tuân thủ phát luật kém, hãy trao đủ thẩm quyền cho người thi hành công vụ và bảo vệ họ khi họ làm đúng. Đừng để kiểm lâm, công an có súng cũng như không, không giám bắn lâm tặc, tội phạm đang dùng hung khí đe dọa họ.

Đồng thời với việc trao quyền thì cũng phải xử lý nghiêm khắc những người lạm quyền quá đáng. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này, đây là kinh nghiệm từ tổ chức thực hiện thành công việc cấm đốt pháo, bắt buộc đội mũ bảo hiểm những việc tưởng chừng không làm nổi.